Venezuela: Thắng lợi cho ông Maduro

Cập nhật: 12-12-2020 | 09:50:25

Ngày 7-12, Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) đã thông báo sơ bộ kết quả bầu cử Quốc hội diễn ra trước đó 1 ngày, với Khối yêu nước vĩ đại - liên minh các đảng cánh tả do đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền đứng đầu, đã giành được đa số ghế tại quốc hội khóa mới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE), bà Indira Alfonzo cho biết, có khoảng 5,2 triệu cử tri nước này đã đi bỏ phiếu, tương đương 31% tổng số cử tri đủ tư cách bầu cử, trong đó Khối yêu nước vĩ đại nhận được hơn 3,5 triệu phiếu bầu (tương đương 67,6%) và liên minh đối lập chỉ nhận được 944.665 phiếu. Kết quả này sẽ không thể thay đổi vì 82,35% số phiếu bầu đã được kiểm.

Phát biểu ngay khi kết quả được công bố, Tổng thống Venezuela Maduro đã gọi đây là một thắng lợi to lớn: “Chúng tôi đã tuân thủ hiến pháp. Sau 5 năm, chúng tôi có được quốc hội mới nhờ kết quả của một cuộc bỏ phiếu phổ thông. Mọi người đã bầu ra các nhà lập pháp mới của họ và chúng tôi đã có một chiến thắng bầu cử vĩ đại. Chúng tôi ở đây, được công nhận bằng những lá phiếu bầu, bằng tình yêu của người dân. Chúng ta sẽ tiến lên phía trước và tôi đang ở Dinh Tổng thống lãnh đạo”.

Cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội và kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài. Một bộ phận phe đối lập cực đoan đã tẩy chay cuộc bầu cử và kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu. Mặc dù vậy, Chính phủ Venezuela kiên quyết tổ chức cuộc bầu cử theo đúng quy định của hiến pháp, bảo vệ tính độc lập và quyền tự quyết của nhân dân Venezuela. Khoảng 200 quan sát viên đến từ nhiều nước trên thế giới đã tham gia giám sát cuộc bầu cử.

Tổng thống Venezuela Maduro phát biểu sau bầu cử quốc hội ngày 6-12.

Trước đó, ông Maduro với giới chức nước này cũng kỳ vọng cuộc bầu cử quốc hội lần này có thể mở ra một hướng đi mới, thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ với các đảng phái, qua đó đưa đất nước từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong những năm gần đây. Ông kêu gọi phe đối lập Venezuela từ bỏ con đường chủ nghĩa cực đoan với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, quay trở lại tiến trình đối thoại quốc gia, đồng thời khẳng định sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo nếu ông thất bại trong cuộc bầu cử lần này.

Tuy nhiên, ngay trước và sau cuộc bầu cử, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido vẫn coi đó là cuộc bầu cử gian lận: “Đây không phải là một cuộc bầu cử, đó là một trò gian lận. Venezuela muốn một cuộc bầu cử, một cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tự do”. Dù ông Juan Guaido đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này, song vẫn rất nhiều đảng chính trị đối lập tham gia. Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp một phần là do bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Uy tín của phe đối lập Venezuela đã suy sụp đáng kể. Dân chúng mệt mọi vì khủng hoảng chính trị kéo dài, mệt mỏi vì bảy năm kinh tế giảm sụt, 3 năm lạm phát phi mã.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Mỹ và nhiều nước đồng minh tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này tại Venezuela và tiếp tục gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực. Ngày 6-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích cuộc bầu cử quốc hội ở Venezuela. Phản bác lại, Ngoại trưởng Jorge Arreaza kêu gọi chính quyền Mỹ cần phải thừa nhận sự thất bại trong chiến lược gây bất ổn tình hình tại Venezuela. Ông Arreaza cho rằng, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cần phải chấp nhận một thực tế về những thất bại rõ ràng trong các kế hoạch can thiệp và phá hoại sự ổn định của Venezuela.

Cùng ngày, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng đề nghị cộng đồng quốc tế tôn trọng kết quả cuộc bầu cử quốc hội tại nước này, cũng như quyền tự quyết của nhân dân Venezuela đối với vận mệnh của đất nước. Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero, người có mặt tại Venezuela với tư cách là quan sát viên bầu cử, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải đánh giá lại lập trường của mình về Venezuela và tách khỏi "chính sách hung hãn của Tổng thống Mỹ Donald Trump" đối với quốc gia Nam Mỹ này.

Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Venezuela Sergei Melik Bagdasarov cũng cho rằng: “Tuyên bố của quan chức chính phủ từ một số nước về việc không công nhận cuộc bầu cử quốc hội ở Venezuela chỉ cho thấy họ không có khả năng đối mặt với sự thật. Họ có thể nghĩ rằng họ có quyền được coi thường quyền của người khác".

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử lần này là một thách thức vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez xây dựng và vun đắp. Tuy nhiên, với chiến thắng trên, Khối yêu nước vĩ đại - liên minh các đảng cánh tả do đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền sẽ kiểm soát quốc hội khóa mới, dù phe đối lập muốn hay không.

Chuyên gia chính trị tại Venezuela Giovanna De Michele cho biết: “Quốc hội Venezuela hiện nay sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình vào ngày 5-1-2021. Trong bất kỳ trường hợp nào, nó sẽ kết thúc đúng thời điểm đó. Theo Hiến pháp Venezuela, ngày 5-1-2021, quốc hội mới sẽ tiếp quản sau cuộc bầu cử ngày 6-12 bất chấp việc tỷ lệ cử tri đi bầu cao hay thấp”.

Trong suốt 2 năm gần đây, Mỹ và các đồng minh, phối hợp với các phe đối lập Venezuela liên tục gây sức ép buộc Tổng thống Maduro từ chức bằng mọi thủ đoạn, từ ám sát, chính trị đến cấm vận kinh tế. Mặc dù ông Juan Guaido được Mỹ và hơn 50 quốc gia trên thế giới công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela nhưng hiện nay, chính những nước ủng hộ này, đi đầu là Mỹ, đã “phát chán” ông ta.

Uy tín của phe đối lập Venezuela vì thế ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính sự kiên trì đấu tranh chống các hành động chống phá, từng bước giải quyết những khó khăn trong nước, kinh tế-xã hội, với sự giúp đỡ của các nước đồng minh, Nga-Iran, chính quyền Caracas đang dần vượt qua những ngày khó khăn nhất.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=797
Quay lên trên