Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 về bảo hiểm một lần được Quốc hội thông qua nhằm mục đích tăng số người lao động được hưởng lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người lao động. Với mục tiêu và ý nghĩa nhân văn như vậy nhưng khi Luật ban hành, chưa có hiệu lực thì rất nhiều người lao động không đồng tình, thậm chí phản ứng (ngừng việc tập thể) làm ảnh hưởng lớn đến tình hình quan hệ lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì sao như vậy? Qua tổng hợp ý kiến của người lao động và các cấp công đoàn trong tỉnh Bình Dương thì có 6 lý do cơ bản sau:
1. Việt Nam là một nước đang phát triển, thị trường lao động đang hoàn thiện, đa số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là lao động đến từ khu vực nông thôn, chưa xác định trở thành lực lượng lao động công nghiệp, họ chỉ tạm thời làm công nhân một thời gian sau đó trở về quê sinh sống và chuyển sang lĩnh vực khác như buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp ...
2. Một số ngành nghề sử dụng lao động phổ thông như dệt, may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ... lao động được bố trí theo từng công đoạn sản xuất. Việc đào tạo nghề cho lực lượng lao động này tương đối đơn giản nên đa số doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông và doanh nghiệp sẽ tự đào tạo. Hơn nữa, ở những ngành nghề này cần sử dụng lao động trẻ, nhanh nhẹn, tinh mắt nên họ không sử dụng lao động lớn tuổi (đa số các doanh nghiệp ở Bình Dương thông báo tuyển dụng lao động từ 18 đến 35 tuổi). Đối với những người này, người sử dụng lao động luôn tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với những người lao động lâu năm, lương cao để thay bằng những lao động trẻ hơn, khỏe hơn và lương thấp hơn. Thực tế, những người lao động trên 35 tuổi vẫn có nhu cầu tiếp tục làm việc nhưng không được tuyển dụng nên họ không đủ thời gian tham gia BHXH để được nhận lương hưu và họ cũng không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
3. Đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay còn rất khó khăn, tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (mới đáp ứng khoảng 70%). Trong thời gian qua, chế độ BHXH một lần như một khoản để dành của người lao động, khi cần thiết họ sẽ rút ra để giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết trong cuộc sống như có khoản tiền cho con đi học, chữa bệnh, mua xe đi làm...
4. Tình trạng thể chất, sức khỏe, tay nghề của người lao động nước ta trong giai đoạn hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu làm việc lâu dài trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Thời gian tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật hiện hành quá dài (20 năm). Nếu không còn là công nhân trong các doanh nghiệp nhưng phải tiếp tục đóng BHXH tự nguyện một thời gian dài để được hưởng lương hưu là điều gần như không thể.
5. Nhiều người lao động, mặc dù đời sống rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng tham gia đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện để được nhận lương hưu nhưng mức lương hưu được nhận rất thấp, không đủ sống. Lương hưu phải đủ sống thì mới trở thành động lực để người lao động phấn đấu, chờ đợi, không muốn nhận BHXH một lần.
6. Quy định về việc nhận BHXH một lần trước đây và hiện nay rất đơn giản, những người lao động có thời gian làm việc lâu năm đều đã nhận BHXH một lần hoặc nhiều lần nên thời gian đóng BHXH tích lũy không đủ điều kiện để được nhận lương hưu.
Từ những lý do nêu trên cho thấy, mục tiêu hạn chế nhận BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh xã hội là cần thiết nhưng không phù hợp với một bộ phận người lao động. Nếu không nhận BHXH một lần để được nhận lương hưu thì người lao động sẽ chờ. Nhưng ở đây người lao động phải chờ đến 10 năm, thậm chí 20 năm sau cho đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn nhận BHXH một lần là không phù hợp.
Chính vì vậy, đa số người lao động đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm lao động ở nước ta hiện nay theo hướng người lao động tham gia BHXH có quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu khi đủ điều kiện./.
(Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)