Hơn 200.000 nạn nhân chất da cam/dioxin được Chính phủ Việt Nam trợ cấp hàng tháng, gần 7.500m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp an toàn.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng kinh phí của Chính phủ Mỹ, một phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam, đang được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016.
Lớp học cho các em nhở bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị.
Thông tin trên do Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) cung cấp, trong Hội thảo báo chí cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp về lĩnh vực khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam, tổ chức ngày 22-4, tại Hà Nội.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 nhận xét: Ít có những lĩnh vực được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, công chúng trong nước và quốc tế quan tâm như hậu quả da cam/dioxin (hay còn gọi là chất diệt cỏ/dioxin) ở Việt Nam. Điều này đã kéo dài liên tục từ hơn 40 năm nay. Nguyên nhân là do hậu quả nặng nề của chất độc này đối với con người và môi trường, tính phức tạp xét về khía cạnh khoa học của dioxin. Mặt khác, hậu quả của dioxin không chỉ về phương diện môi trường, sức khỏe con người mà còn là vấn đề có liên quan đến chính trị, luật pháp quốc tế, nhân quyền và nhân văn.
Chính vì vậy, ngay từ tháng 10-1980, Ủy ban điều tra hậu quả chất diệt cỏ/dioxin được thành lập và đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu xác định quy mô và hậu quả của nó ở Việt Nam, trong đó có những công trình hợp tác với các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác. Tiếp đó, tháng 3/1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập có nhiệm vụ chính là chỉ đạo và tổ chức các hoạt động khắc phục hậu quả chất diệt cỏ/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam.
Các nhà khoa học trong nước cũng đã có những công trình nghiên cứu về sự tồn lưu của dioxin và tác động của dioxin đến môi trường, hệ sinh thái và con người tại 3 điểm “nóng’ là sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và một số vùng khác mà quân đội Mỹ phun rải trong chiến tranh tại Việt Nam trước đây. Qua đó, một số công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa dioxin từ các sân bay này đã được xây dựng. Riêng năm 2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chôn lấp an toàn gần 100.000m3 đất thuộc khu ô nhiễm nặng nhất tại sân bay Biên Hòa.
Từ năm 1999 đến 2005, Ban Chỉ đạo 33 đã tổ chức thực hiện 22 đề tài, dự án nghiên cứu và khắc phục chất diệt cỏ/dioxin. Một số công trình nghiên cứu có giá trị góp phần khẳng định tác hại của chất diệt cỏ/dioxin đối với con người, điển hình như công trình “Điều tra dịch tễ học ở trên 47.000 cựu chiến binh và con cháu của họ”, do tác giả Lê Bách Quang và cộng sự thuộc Học viện Quân y tiến hành; “Xác định cơ cấu bệnh tật và dị tật bẩm sinh ở những cựu chiến binh đã tiếp xúc với chất diệt cỏ và con cháu họ,” “Biến đổi máu và miễn dịch ở những người phơi nhiễm chất diệt cỏ/dioxin” của Nông Văn Hải và công sự ở Đại học Y Hà Nội...
Đặc biệt, tháng 6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả da cam/dioxin ở Việt Nam từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Song song với Kế hoạch hành động là Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về tác hại của dioxin, nhằm làm rõ hơn tác hại của dioxin và tìm kiếm các biện pháp khắc phục hậu quả đối với môi trường và con người.
Phát biểu tại hội thảo, ngài Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời tình trạng ô nhiễm, đường lây nhiễm sang người và các nỗ lực giải quyết vấn đề da cam/dioxin, sẽ giúp người dân nhận thức đầy đủ và có những biện pháp cụ thể cho việc phòng tránh lây nhiễm dioxin, để không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thông tin còn giúp cho Chính phủ và các đối tác phát triển cùng hợp tác khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam, trong đó lực lượng báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin này. “UNDP bắt đầu tham gia vào việc khắc phục hậu quả về mặt môi trường của chất da cam từ năm 2006, chúng tôi đã và đang vận động các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các chính phủ tham gia vào công việc quan trọng này” - ngài Bakhodir Burkhanov khẳng định.
Theo TTXVN