Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 17

Cập nhật: 20-12-2016 | 09:34:37

Kỳ 17: Siêu thị phát triển rộng khắp

Lĩnh vực thương mại (TM) được xác định có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Tại Bình Dương, việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này đã và đang được tỉnh triển khai một cách toàn diện.

ST, TTTM phát triển rộng khắp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm ở Co.opmart Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: TRÚC HUỲNH

Phát triển mạnh mẽ

Những năm qua, lĩnh vực xây dựng và phát triển hệ thống TM như chợ, siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM) đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương đã có quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, ST, TTTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 nhằm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành TM và tổ chức thị trường theo hướng văn minh, hiện đại.

Quy hoạch nói trên đã được tỉnh triển khai, cùng các giải pháp mang tính đồng bộ như phân cấp quản lý chợ cho UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; giải tỏa các chợ tạm, chợ tự phát không phù hợp quy hoạch; bố trí quỹ đất sạch để doanh nghiệp (DN) phát triển cơ sở hạ tầng TM; cùng với đó là chính sách miễn, giảm thuế đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi... Đây chính là những động lực khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư mở rộng vào lĩnh vực TM.

Qua từng năm, các ngành, các cấp trong tỉnh đã linh hoạt tổ chức nhiều hình thức đa dạng để phát triển hoạt động TM. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến TM, phát triển hệ thống phân phối cũng được tỉnh thực hiện đa dạng. Có thể nói, trong những năm gần đây ngành TM của tỉnh đã có bước phát triển mới cả về ngành nghề, tốc độ, cơ cấu và thành phần kinh tế, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Kết quả đó đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 24%/năm.

Mạng lưới bán lẻ tăng tốc

Điểm lại từng giai đoạn phát triển hệ thống bán lẻ của Bình Dương thì giai đoạn 2011-2015 được xem là thời kỳ bùng nổ mạng lưới bán lẻ từ thành thị đến nông thôn. Nếu như trong thời kỳ 2000-2010 Bình Dương có 86 chợ, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị và 10 ST thì từ năm 2011, hệ thống chợ đã được xây mới, nâng cấp ở khắp các địa phương trong tỉnh. Điều đáng nói, trong giai đoạn 2011- 2015, trên địa bàn tỉnh mô hình bán lẻ hiện đại đã phát triển nhanh với hình thức TTTM, ST kinh doanh tổng hợp, ST chuyên doanh tổng hợp. Bên cạnh đó, hệ thống tập đoàn, DN bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư vào Bình Dương. Có thể kể đến như Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Pháp), LotteMart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật), cùng với các DN bán lẻ trong nước như Co.opmart, CitiMart, Vinatex... đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 105 chợ, 8 ST và 7 TTTM, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của DN, người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, Bình Dương có hạ tầng TM, hệ thống bán lẻ phát triển nhanh và mạnh cũng dễ hiểu, bởi giai đoạn 2011- 2015 có nhiều yếu tố mới phát sinh tác động đến sự phát triển hệ thống chợ, ST, TTTM. Trong đó, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa và sự phân bố lại địa giới hành chính cấp huyện, thị, thành phố, cùng với việc phát triển công nghiệp đòi hỏi tỉnh nhà cần phải quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống TM phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch công nghiệp để tạo mối quan hệ hữu cơ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Vì vậy, các chợ nông thôn, ST, TTTM được tỉnh chú trọng đầu tư chủ yếu theo hình thức xã hội hóa và vận động, thu hút các DN, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ, ST, TTTM theo quy hoạch trên địa bàn. Có thể thấy, việc nhiều thương hiệu bán lẻ uy tín trong và ngoài nước chọn Bình Dương là điểm đến phần nào nói lên việc quy hoạch, bố trí hạ tầng TM của tỉnh bảo đảm yêu cầu vừa tập trung, vừa phân bố đều trên địa bàn, tạo không gian TM - dịch vụ phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành những ngôi chợ mới ở nông thôn khang trang như Long Nguyên (huyện Bàu Bàng), Minh Tân (Dầu Tiếng), hay những TTTM, ST quy mô, hiện đại như Aeon Mall Bình Dương Canary, Becamex Tower, Co.opmart... Đây cũng chính là hạt nhân làm cho thị trường giao thương hàng hóa tại Bình Dương trở nên nhộn nhịp, sống động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.q

Kỳ 18: Dấu ấn nông thôn mới

 

 TRÚC HUỲNH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=963
Quay lên trên