Một nhánh sông Sài Gòn rẽ vào ôm ấp khu phố thị sầm uất là đủ cho khách thương hồ mua mua bán bán tấp nập. Hàng ngày, những chuyến ghe chở khẳm đồ gốm của Bình Dương đi khắp nơi, chở trái cây từ miền Tây lên là hình ảnh bình yên mà bao người nơi đây đi xa quê vẫn nhớ. Vào những ngày giáp tết còn có cả những thuyền hoa rực rỡ sắc màu là khung cảnh quá đẹp đẽ trong ký ức của Nhân, đứa con của vùng quê gốm sứ.
Nay nơi vùng quê ấy, con đường ven sông mở rộng thênh thang càng thuận lợi hơn cho giao thương. Nhân nhớ ngày xưa, xe vào lò gốm của ông nội mình là xe ngựa thồ. Nay thì xe tải vào ra khu đất này phải dùng hai tiếng “vô tư” mà diễn tả. Nhưng ở đó, ba mẹ anh mấy chục năm qua làm ăn kiểu… cầm chừng bởi những khó khăn trong nghề mà ai gắn bó, tìm hiểu mới biết được. Lò gốm nay đã khác với những đời trước ngựa xe, ghe thuyền tấp nập chở gốm đi muôn nơi mà Nhân biết - tất nhiên là qua lời kể của ba mẹ anh. Và anh muốn làm gì đó để phục dựng lại, để sống lại làng nghề năm xưa.
Ở nơi mảnh đất thiêng liêng được gọi là quê hương này, sáng nay Nhân vừa cho chuyển một chuyến xe tải hàng gốm gia dụng, gốm trang trí từ trong nhà ra ngoài vườn đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Bên ly cà phê buổi sáng, Nhân cảm thấy hài lòng về việc khởi nghiệp thật ra là nối nghiệp của mình. Anh kịp đưa ra ý kiến khi ba mẹ đã gần như muốn buông xuôi… “Dẹp bỏ hết, chuyển nghề hoặc gửi ngân hàng lấy tiền lãi sinh sống”. Khi nghe ba mẹ bàn như vậy, anh đã quyết liệt can ngăn. Từ một cậu ấm con nhà giàu đang du học rồi ở lại làm việc tại Úc, Nhân đã bỏ hết để về quê. Hai tiếng “về nhà” thúc giục anh không ngưng nghỉ cho đến khi anh được bố trí trong trại cách ly mười bốn ngày để phòng, ngừa Covid-19. Những ngày đó, thay vì hồi hộp, chờ đợi, khó chịu, anh đã kịp phác thảo cả một đề án để kinh doanh, để ba mẹ không thất vọng về đứa con trai duy nhất của họ.
***
Ngày Nhân quyết định về quê làm ăn, phát triển nghề truyền thống mấy đời nay của gia đình, bạn bè, người thân ai cũng bất ngờ, ngạc nhiên. Nhưng cũng như mọi lần, một khi đã quyết định là anh quyết làm cho bằng được. Mẹ anh ủng hộ con với suy nghĩ đơn giản rằng tài sản tổ tiên để lại bao đời nay dành phần lớn cho con nên anh có quyền tiếp nhận và lo liệu. Ba anh sau một hồi suy nghĩ, đắn đo cũng đã ủng hộ...
Những nghệ nhân làng gốm rảnh rang hàng ngày kiếm cơm bằng cuốc xe ôm vui mừng khi được Nhân mời về làm việc. Họ sung sướng quá đỗi khi được thỏa thích sáng tạo trên các sản phẩm gốm xưa. Sự tinh tế của gốm thủ công đó là không sản phẩm nào giống nhau y hệt. Đây cũng là nét độc đáo mà ai quan tâm đến gốm thủ công mới biết được. Giá trị của sản phẩm gốm cũng nằm ở đó. Các dòng gốm một thời nổi tiếng ở Sài Gòn, Thủ Biên nay được “tái xuất giang hồ” - nói theo cách đùa vui của chú Nghĩa nghệ nhân gốm nổi tiếng làm cho ai nấy đang tất bật công việc trong xưởng cũng bật cười. Con người ai cũng có một phần hoài cổ. Và người ta nhớ những cái chén, cái tô đất men xanh đơn giản ngày xưa. Nhớ con heo đất bách hoa lung linh sắc màu cả tuổi thơ mơ ước được sở hữu. Nhớ cụm tượng nho nhỏ xinh xinh đứng bên bụi trúc sau nhà. Đồ thờ cúng, trang trí trong nhà từ những chiếc độc bình thật tinh xảo, tượng Phước - Lộc - Thọ cũng được Nhân cho thợ làm lại theo kiểu truyền thống. Xưởng gốm thủ công của Nhân làm những sản phẩm như thế và chẳng mấy chốc mà nhiều người biết, bàn tán trong làng nghề này. Nhào nặn gốm, vẽ tranh, chở đến lò nung rồi đem sản phẩm về trưng bày, bán hàng. Chừng đó việc đủ để cho Nhân cùng hơn hai mươi nhân viên trong xưởng rộn ràng cả ngày. Ba mẹ anh được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già và làm “cố vấn” mỗi khi Nhân hỏi về các bí quyết nghề nghiệp. Để quảng bá sản phẩm, tất nhiên anh có những cách làm mới mẻ từ việc phát trực tiếp cảnh nghệ nhân đang tạo hình gốm, cảnh chú Nghĩa vẽ chim, công, gà các kiểu bằng nét cọ điêu luyện. Mai, lan, cúc, trúc từng khóm từng khóm hiện lên trên những chiếc độc bình trong tiếng trầm trồ của du khách cũng được anh cho quay lại để quảng bá thương hiệu gốm xưa. Rồi tổ chức tham quan, trải nghiệm làm nghề cho học sinh, mở quán cà phê… ngắm gốm sứ. Những cách làm mới mẻ trong kinh doanh của thời 4.0 này là điều hoàn toàn khác so với cách ông bà, ba mẹ anh làm trước đây. Thế nên thông tin sản phẩm của Nhân ngày càng lan rộng hơn, xa hơn, nhiều người biết hơn về mảnh đất, con người nơi đây…
***
Ngoài công việc, Nhân còn hay đưa mẹ đi thăm thú những di tích thắng cảnh của quê nhà, đưa ba mẹ đi làm công việc thiện nguyện. Một lần Nhân chở mẹ đi dự một hội thảo về bảo vệ môi trường, tặng quà cho người khó khăn do địa phương tổ chức, có mời giảng viên đại học đến nói chuyện hẳn hoi. Tấm lòng người ta cũng sẽ rộng mở hơn, bao dung hơn khi cuộc sống đủ đầy. Nơi Nhân ở giờ nhiều người “mê” làm từ thiện xã hội. Mẹ anh cũng vậy, bà là người hiền lương, chuẩn mực và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho người khác. Mẹ đi cứu trợ, tặng quà luôn luôn cùng bạn bè. Đôi khi nghĩ đến sức khỏe của mẹ, anh nhắc chừng mẹ cẩn thận kẻo ốm mất. Mẹ anh nửa hờn, nửa trách, nửa dỗi: “Là do mẹ quá rảnh rỗi đó mà. Chừng nào con cưới vợ, mẹ có cháu bế bồng là tự nhiên ở nhà suốt bên con cháu thôi. Ăn học cho lắm vào, làm cho cố vào rồi ngoài ba mươi chưa có cô nào rước cho”. Mỗi lần như thế, Nhân chỉ cười trừ, kiếm cớ lãng ra xưởng đứng nhìn chú Nghĩa vẽ tranh trên gốm.
Mọi lần Nhân chở mẹ đến ngang sân trung tâm văn hóa thành phố là quay về. Lần này anh nghe vọng tiếng của giảng viên qua hệ thống loa phát thanh trong sân: “Chúng ta hãy ngưng đối xử tệ với mẹ thiên nhiên. Chúng ta hãy ngưng kiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần rồi vứt bỏ. Các cô chú, anh chị có biết một con cá voi chết, trong dạ dày của nó có cả tạ rác lận đó! Gần đây, xác của sinh vật biển bị mắc cạn như cá mập, cá heo, rùa biển và hải cẩu, cá voi… do điều kiện sinh học và môi trường ô nhiễm ngày càng nhiều. Sao chúng ta không sử dụng những vật dụng bền hơn, thân thiện với môi trường hơn như gốm sứ, mây tre lá, thậm chí thay dần thói quen dùng ống hút nhựa bằng ống hút cỏ…”. A ha, thú vị đây! Em nào nói chuyện nghe có vẻ thú vị và còn đưa dẫn chứng cả làng nghề của mình vào bài nói nữa chứ! Tò mò, Nhân cùng mẹ vào hội trường ngồi nghe. Mẹ anh tròn mắt ngạc nhiên bởi những cuộc hội họp kiểu này, con trai mình có quan tâm bao giờ.
Cách nói chuyện và diễn giải của cô giảng viên trẻ khiến Nhân tò mò nên anh tìm hiểu. Và, trong thời đại này, chỉ một vài thao tác lướt trên điện thoại sau khi hỏi tên, số điện thoại, nơi công tác của diễn giả từ Ban tổ chức thì Nhân cười ý nhị. Trên trang thông tin cá nhân của Thu (giờ thì anh đã biết tên) là hình ảnh đại dương mênh mông, những miền đất trong lành mà cô ấy đã tới, những hình ảnh đáng sợ của rác thải là nhựa tổng hợp tràn ngập… Và một điểm khiến anh chú ý đó là Thu cũng du học từ Úc về.
Tình trạng “độc thân” được khai trong trang cá nhân là điều khiến anh rất nhanh chóng lưu số điện thoại, kết bạn Zalo, Facebook và… đợi chờ.
***
Lâu không thấy Thu đồng ý kết bạn, anh nghĩ chắc là mình không đủ “tầm”, không là đối tượng để cô ấy muốn làm bạn bè. Nhiều việc cuốn đi, anh cũng quên luôn cảm giác… tự ái khi gửi lời kết bạn mà người ta không chấp nhận. Một ngày cuối tuần, Nhân ngạc nhiên khi nhìn ra cổng quán cà phê nhỏ anh bán thêm cho khách khi đến tham quan xưởng gốm thủ công. Thu dựng xe máy xong ung dung bước vào. Cô ăn mặc giản dị với chiếc váy rộng và cái áo hoa văn nhã nhặn, trẻ trung. Bước thẳng đến bàn Nhân ngồi, cô gật đầu chào anh như có hẹn trước. Nhân lúng túng mời cô ngồi. Thu thì lém lỉnh nói rằng em biết anh lâu rồi, biết qua những buổi anh livestream bán gốm lận nhưng không qua một tài khoản bí mật khác. Ngoài đời thật thì không phải đây là lần đầu em gặp anh.
Quá đỗi ngạc nhiên, Nhân hỏi gặp như thế nào, Thu giảng giải cho anh một tràng: “Như thế nào à? Em gặp anh ở nước ngoài lận. Nhưng những cậu ấm cô chiêu đi học bằng tiền chu cấp của ba mẹ như anh đâu có nhìn tới mấy đứa du học sinh vừa học vừa làm như tụi em. Thế là em ngại, tính nhận đồng hương mấy lần trong các buổi sinh hoạt chung với các anh chị khóa trước nhưng thôi luôn”… Thu càng nói Nhân càng áy náy về thái độ, cách sống buông thả một thời của anh. Ngày đó, thất vọng về nhiều chuyện, chia tay người yêu đầu khiến anh cứ mặc kệ cuộc đời và trôi xuôi theo số phận. Cho đến khi ba mẹ muốn bán hết đất đai, nhà cửa, cho đến khi anh tìm lại niềm đam mê với gốm xưa anh mới biết dừng lại…
- À, em đến đây để tham quan xưởng gốm, để vẽ - em vẽ đẹp lắm đó, để chào hàng ống hút cỏ thay cho ống nhựa của quán cà phê. Nói chung là nhiều việc lắm trong khoảng hơn tiếng đồng hồ rồi em về trường giảng bài cho sinh viên. Anh lấy hàng thân thiện môi trường này giúp em nhé!?
Thu nói chuyện rất tự nhiên khiến Nhân giật mình thoát ra khỏi dòng hồi tưởng. Mẹ anh trên phòng khách nhận ra người quen nên chủ động đến hỏi thăm Thu. Lần này thì Thu tròn mắt “Ủa, đây là nhà của cô? Sao nhiều lần cùng nhau đi từ thiện ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cô không nói gì về… anh Nhân hay xưởng gốm đẹp đẽ này ạ?”. Mẹ Nhân cười ý nhị: “Có duyên thì ông trời tự sắp đặt thôi ha con! Cô có nói mà không duyên cũng chịu!”…
Khi Nhân đưa Thu đi tham quan một vòng xưởng gốm, khi Nhân chăm chú nhìn Thu vẽ cành hoa mai trên chiếc đĩa trang trí tủ sách, bác Nghĩa nói với mẹ anh: “Lần đầu tôi thấy nó chăm chú chuyện trò với bạn khác phái như vậy đó nha. Anh chị… tính tới luôn đi!”.
Đưa Thu ra cửa, quay vào xưởng gốm một mình, Nhân bỗng dưng thấy bồi hồi. Điện thoại rung lên, sáng đèn. Anh thấy Thu nhắn: “Em đồng ý kết bạn rồi”…
Nắng xuân tràn ngập cả con phố vào sáng muộn hôm đó…
Truyện ngắn: TRẦN QUỲNH NHƯ