Vào ngày 7-6-2011, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) vừa đưa ra báo cáo thống kê cho thấy, hơn 2.000 đầu đạn hạt nhân đã được cắt giảm trong năm qua. Tuy thế, hiện toàn thế giới vẫn còn 20.530 đầu đạn hạt nhân mà phần lớn trong số đó có thời hạn hoạt động không xác định.
Kho dự trữ chiến lược
Thống kê của SIPRI cho biết có 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Israel. Tổng số lượng đầu đạn hạt nhân của 8 quốc gia này là 20.530, trong đó có 5.027 đầu đạn trong trạng thái mở (theo SIPRI trạng thái mở có nghĩa là đầu đạn hạt nhân đã được lắp vào tên lửa, bom trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hoặc đã biên chế vào một binh chủng đang trực chiến).
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160
So với năm 2009, đã cắt giảm được 2.070 đầu đạn hạt nhân. Nga là nước có số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất: 8.570 đầu đạn dự trữ và 2.427 đầu đạn mở. Mỹ đứng thứ hai với số lượng tương ứng là 6.350 và 2.150. Trong tương lai, kho vũ khí hạt nhân của hai cường quốc này sẽ giảm đáng kể theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START 3. Pháp là quốc gia đứng thứ ba khi có 10 đầu đạn hạt nhân dự trữ/290 mở. Con số tương ứng của Anh là 65/160.
Trung Quốc hiện có 200 đầu đạn hạt nhân, Pakistan 110, Ấn Độ 100 và Israel là 80. Đáng chú ý là cả 4 quốc gia này đều không có đầu đạn hạt nhân trong trạng thái mở. Không rõ SIPRI thống kê vũ khí hạt nhân theo tiêu chí nào. Bởi với CHDCND Triều Tiên, theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu FAS (Mỹ), nước này có 10 đầu đạn hạt nhân, lại không có trong danh sách của SIPRI. Còn Israel chưa bao giờ công nhận mình sở hữu loại vũ khí này, lại có trong thống kê của SIPRI (!?). Hơn thế, cả 4 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nêu trên, vì bí mật quân sự chưa bao giờ công bố số lượng đầu đạn của mình.
Mỹ, Nga, Pháp, Anh tuy có công bố số lượng đầu đạn hạt nhân mở, nhưng lại không cho biết loại vũ khí nào được sử dụng để mang chúng và giấu kín kho dự trữ hạt nhân. Vì thế, không loại trừ trường hợp, số lượng vũ khí hạt nhân dự trữ của thế giới có thể còn lớn hơn so với con số mà SIPRI công bố.
Vũ khí tấn công chiến lược của Nga và Mỹ
Nga:
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: R-36M2, UR-100N UTTH, RT-2PM Topol, RT-2PM2, TopolM, RS-24 Yars, R-29PM, R-29RMU2 Skiff.
Tàu ngầm: 667BDRM Delfin, 941 Akula
Máy bay ném bom tầm xa: Tu-95MS, Tu-160
Mỹ:
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: Minuteman III, UGM-133A Trident D-5
Tàu ngầm: Class "Ohio"
Máy bay ném bom tầm xa: B-1B Lancer, B-2 Spirit, B-52 Stratofortress
Sự sai lệch của con số
Vào đầu tháng 6-2011, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố số lượng đầu đạn hạt nhân mở cũng như dự trữ tại quốc gia này và cả của Nga. Thông tin này đươc công bố trên website của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START 3 (http://www.state.gov/t/avc/rls/164722.htm) mà hai bên ký kết vào năm 2010. Theo đó, Mỹ có 1.800 đầu đạn hạt nhân mở, còn Nga là 1.537. Theo yêu cầu của START 3, khi thời hạn hiệp định chuẩn bị kết thúc (có hiệu lực 10 năm), Nga và Mỹ không được phép có hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân mở và 700 đầu đạn hạt nhân tấn công chiến lược.
Hiện Mỹ có 882 đầu đạn hạt nhân tấn công chiến lược trang bị cho tên lửa xuyên lục địa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom tầm xa. Còn Nga hiện có 551 đầu đạn hạt nhân tấn công chiến lược. Kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ là 1.124 đầu đạn và Nga là 865.
Có thể thấy, số lượng đầu đạn hạt nhân mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ít hơn 1,5 lần so với số liệu mà SIPRI đưa ra. Trong trường hợp này, có thể Nga và Mỹ đã không trung thực khi trao đổi thông tin về đầu đạn hạt nhân của mình cho nhau. Hoặc giả SIPRI đã thống kê không chính xác. Cũng có thể, SIPRI không chỉ thống kê số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà còn cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đáng chú ý là, trước đó vào tháng 5-2010, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ có 5.113 đầu đạn hạt nhân. Số lượng này cũng thấp hơn con số 8.500 mà SIPRI đưa ra.
Ám ảnh bóng đêm hạt nhân
Dù có thế nào thì hiện Mỹ và Nga đều phải cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình trước sự giám sát của một ủy ban đặc biệt được thành lập trong khuôn khổ START 3. Nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới đang phi hạt nhân hóa. Bởi, các cường quốc không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì cho rằng, vũ khí hạt nhân chiến lược là sự bảo đảm cho an ninh quốc gia. Ngoại trừ Ấn Độ, Pakistan, Israel, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân còn lại đều ký hiệp định cam kết không phổ biến loại vũ khí này.
"Sẽ là sự thổi phồng nếu cho rằng Mỹ và Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân theo START 3 là bước tiến thực sự đến sự giải trừ loại vũ khí này. Bởi cả hai cường quốc này hiện đang có các dự án kéo dài cả chục năm nhằm hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và coi đó là chính sách phòng thủ của mình", Shannon Kile - chuyên gia của SIPRI phát biểu.
Shannon Kile hoàn toàn có cơ sở, bởi Nga mới đây đã thông báo sẽ thiết kế loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Topol-M, còn Mỹ tuy không đề cập đến sản xuất loại vũ khí hạt nhân mới, nhưng sẽ nâng cấp loại ĐĐHN W78, bom hạt nhân B61 cũng như kéo dài thời hạn sử dụng loại W76 và các loại đầu đạn hạt nhân khác thêm 30 năm nữa.
Ngoài ra, trong một vài năm qua, Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở nhiều địa điểm cả trong và ngoài nước Mỹ. Hệ thống này về lý thuyết cho phép Mỹ trong trường hợp nếu có chiến tranh sẽ tự bảo vệ mình và triển khai tấn công hạt nhân nhằm phủ đầu đối phương.
Cần nhắc lại rằng, theo tính toán của các chuyên gia quân sự lần gần đây nhất (14-1-2010), nếu chiến tranh hạt nhân diễn ra, chỉ sau 6 phút là cả thế giới chìm trong bóng đêm của hạt nhân.
Theo Thanh Niên