Vững tin sau đại dịch

Cập nhật: 11-02-2022 | 08:07:09

Dịch bệnh Covid-19 ập đến như một trận cuồng phong. Trong cơn lốc xoáy dữ dội ấy đã có biết bao câu chuyện về tình người, nghĩa đồng bào và cũng có bao quyết định phải tranh luận nảy lửa trước tính mạng của nhân dân. Nhưng vượt qua tất cả, giờ đây Bình Dương đã trở lại tươi mới với nhịp sống nhộn nhịp của một tỉnh năng động và tiếp tục vươn mình bứt phá từng giờ, từng ngày.

 Cán bộ y, bác sĩ TP.Dĩ An vừa chăm sóc bệnh nhân Covid-19 vừa dọn dẹp, phát cơm trong khu điều trị

 Những tháng ngày không quên

Nửa đêm vào một ngày cuối tháng 1-2021, nhận được thông tin TP.Thủ Dầu Một ghi nhận ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng là sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một (liên quan đến ca bệnh ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo), tôi choàng tỉnh. Thông tin ca nhiễm bệnh, lịch trình đi lại, tiếp xúc của ca bệnh đã làm không ít người hoang mang. Ở cùng khu phố nơi bệnh nhân ở trọ nhưng thực chất chúng tôi không hề quen biết và chưa từng giáp mặt. Hàng loạt câu hỏi nối tiếp liên tục hiển hiện trong đầu làm tâm trí tôi rối bời. Thời điểm đó, theo định nghĩa về vùng cách ly y tế, chúng tôi ở trong “vùng an toàn”, nhưng sáng hôm sau cả khu phố chứng kiến sự ngược lại trong ngỡ ngàng.

Hàng trăm ngàn cuộc điện thoại của người dân đã gọi đi để thông báo cho người thân gần xa, bằng hữu và cả cơ quan đơn vị rằng họ bỗng dưng ở trong vùng phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sau vài phút ồn ào nơi rào chắn, không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ trở về nhà, “cửa đóng then” cài kín mít, thu gọn trong nhà và gần như cắt đứt hoạt động giao tiếp xã hội. Khắp các ngả đường của phường Phú Hòa, các chốt chặn, rào chắn được dựng lên vững chãi dưới sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng dân quân, công an mà nhiều người ví von: “Đến con ruồi cũng không thể lọt qua”.

Tôi và mọi người đã trải qua làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 và thứ 3 như thế với những khái niệm khá mơ hồ, mông lung về vi rút SARS-CoV-2 nên khi tiếp nhận thông tin ca nhiễm đều chung tâm trạng lo lắng, nếu không nói là sợ hãi. Trong khoảng thời gian ấy, đã có biết bao câu chuyện tréo ngoe khiến lòng người ngổn ngang: Người F0 bỗng chốc bị kỳ thị, ghẻ lạnh, người tiếp xúc gần F1, thậm chí F2 cũng bị xa lánh và câu chuyện “thức dậy thấy mình trong khu phong tỏa” cứ râm ran đó đây.

Những tưởng bao câu chuyện oái oăm ấy sẽ sớm rời xa, nhưng Bình Dương lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy của cơn đại dịch. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khốc liệt hơn chỉ vài tháng sau đó với biến chủng Delta. Bình Dương trở thành tâm dịch của các tỉnh phía Nam. Lần này, không còn sự ngỡ ngàng trước những rào chắn, chốt chặn, mọi người đã chấp hành ngay lập tức những biện pháp phòng, chống dịch. Đường sá, phố phường từ thành thị đến nông thôn vắng bóng người, nhà nhà đều cửa đóng then cài. Có lần, trong câu chuyện với cánh nhà báo, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trải lòng: “Nhìn lại đại dịch không khác gì cơn bão quét tràn qua để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Phố phường Bình Dương có những lúc “ngủ yên” trong cô quạnh, không bóng người, chỉ có tiếng còi hụ của xe cứu thương. Nhà xưởng, trường học trở thành khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Những khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ các cấp luôn căng thẳng, mệt mỏi tột độ nhưng vẫn một lòng ngày đêm bám trụ mặt trận chống dịch để dấn thân vì sức khỏe nhân dân”.

Trước sự tấn công của Covid-19, Bình Dương “tăng cấp” kiểm soát người dân ra đường không lý do bằng hàng loạt chốt chặn ngay tại ngõ, hẻm, cung đường liên xã phường, huyện và liên tỉnh. Để x á c đ ị n h các chốt chặn, cán bộ từng phường phải đi khảo sát suốt đêm, thống kê có bao nhiêu hẻm nối ra đường, cần thiết mở bao nhiêu hẻm, rào chắn chốt chặn bao nhiêu đường. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới cảnh này, cảm giác nơm nớp lo sợ, ám ảnh vẫn còn hiển hiện trong mỗi người khi thấy những sợi dây giăng đỏ, trắng và mỗi khi ra đường phải trình giấy qua chốt mà trong lòng lắm nỗi lo âu.

Vững tin vào ngày mai tươi sáng

Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng đầy những mất mát hy sinh. Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 tại Bình Dương cũng không ngoại lệ với nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh lực lượng tuyến đầu khắc sâu vào tâm khảm của hàng triệu người. Vào thời điểm ấy, cả hệ thống chính trị, từng người dân Bình Dương kiên cường gồng mình chống dịch với bao vất vả, gian nan và khốc liệt. Có thời điểm, những quyết sách táo bạo buộc phải được đưa ra vì mục tiêu tối thượng là giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Với sức mạnh đoàn kết, ý chí một lòng, Bình Dương trở thành “điểm sáng” trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, đã có biết bao chiến sĩ áo trắng thầm lặng cống hiến, không quản gian khó, hy sinh, không toan tính riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho người bệnh. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, các y, bác sĩ tạm xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu “chống giặc” Covid-19. Những bữa cơm vội vàng, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ hay phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn đi vệ sinh để chăm lo cho bệnh nhân đã lay động hàng triệu trái tim. Tiến sĩ Văn Quang Tân, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh trải lòng: “Những ngày dịch bệnh bùng phát dữ dội, anh em y tế chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, chúng tôi lại bật dậy hội ý, xử lý tình huống ngay”.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhiều quyết sách táo bạo đã được tỉnh đưa ra với mục tiêu tối thượng là bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân. Trong ảnh: Lực lượng y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Ngoài các bệnh viện dã chiến, tỉnh còn có Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Quốc tế Becamex điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hầu hết bệnh nhân nhập viện tại đây đều trong tình trạng rất nặng, biểu hiện suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy. Đây dường như là ngưỡng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân nên các bác sĩ phải chiến đấu từng giờ từng phút, duy trì từng hơi thở để giành lại sự sống cho từng bệnh nhân.

Vào thời điểm ấy, cả hệ thống chính trị, từng người dân Bình Dương kiên cường gồng mình chống dịch với bao vất vả, gian nan và khốc liệt. Có thời điểm, những quyết sách táo bạo buộc phải được đưa ra vì mục tiêu tối thượng là giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Từ tâm dịch, giữa rất nhiều khó khăn, thử thách, gian lao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kịp thời truyền lửa cho các y, bác sĩ trong khu điều trị. “Đây là cuộc chiến thử thách của các y bác sĩ. Chúng ta đã đối diện nhiều bệnh tật nguy hiểm rồi và đây không phải là lần đầu. Chúng ta phải vững tin, nhất định phải chiến thắng và chắc chắn sẽ chiến thắng vì ngày mai tươi sáng”. Với tinh thần ấy, đội ngũ y bác sĩ khắp cả nước đã lên đường chi viện cho Bình Dương, cùng đồng tâm, hiệp lực cứu chữa người bệnh. Và cũng từ đây, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng đã trở nên lung linh, gần gũi hơn bao giờ hết giữa bão dịch với những câu chuyện làm lay động lòng người.

Hôm nay, nhìn lên bản đồ Covid-19, dải đất Bình Dương phủ gần trọn “màu xanh” của niềm tin yêu và sự kỳ vọng. Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, Bình Dương lại tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, người dân Bình Dương lại tiếp tục siết chặt tay nhau vượt qua gian khó để vững bước đi lên.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=651
Quay lên trên