Vượt khó, kiên định mục tiêu tăng trưởng - Kỳ cuối

Cập nhật: 23-04-2020 | 08:08:43

 Kỳ cuối: Triển khai hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế - xã hội  (*)

 Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Bình Dương đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhằm duy trì ổn định kinh tế - xã hội địa phương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh

- Ông có thể đánh giá kết quả tổng quan mà Bình Dương đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh song hành với việc duy trì sản xuất, ổn định xã hội trong thời gian vừa qua, thưa ông?

- Sau hơn 3 tháng kể từ thời điểm bùng phát, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong quý I-2020, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều có tăng trưởng, song tốc độ đã sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Một số lĩnh vực gặp khó khăn như thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch… Doanh nghiệp (DN) sản xuất đã và đang gặp khó khăn do các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều xảy ra dịch bệnh, tác động đến tiêu dùng và sản xuất, thiếu nguyên liệu, chuyên gia nước ngoài chưa trở lại làm việc…

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và nhân dân đồng lòng, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, giải pháp của Trung ương về công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, bảo đảm nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, việc kiểm soát được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội. Tỉnh cũng đã nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Chính phủ thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới đối tượng là doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp ngành cũng tăng cường biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động rà soát, kịp thời xây dựng các kịch bản tăng trưởng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020.

Đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh Covid-19, song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, sự nỗ lực của cộng đồng DN, người dân, Bình Dương đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, triển khai song hành các giải pháp ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

- Thưa ông, tỉnh đã có những hoạt động nào để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong lúc dịch bệnh đang xảy ra?

- Trước tình hình khó khăn của DN, Bình Dương đã và đang tăng cường những giải pháp giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra theo Công văn số 1117/NHNN-TD ngày 24-2-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như giãn nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Song song đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

Để giảm khó khăn cho DN, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ động, thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất cho tỉnh triển khai, cụ thể hóa kịp thời các biện pháp, chính sách của Trung ương, Bộ Tài chính ban hành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tỉnh đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh theo thẩm quyền xem xét, hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN được tỉnh quan tâm giao cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh xem xét tạo điều kiện cho DN chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị này đẩy nhanh việc thực hiện và cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như thông quan, hoàn thuế, gia hạn nộp thuế... theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây khó khăn cho DN trong hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa…

Để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu, tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020 và dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Nhằm thúc đẩy sản xuất các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, kiểm soát thị trường, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản; có biện pháp cụ thể để giảm giá thịt heo; đề xuất các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản; Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Tỉnh cũng chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tổng công ty Nhà nước chủ động thực hiện giải pháp vượt qua khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực liên quan và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ kép hết sức nặng nề, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế, duy trì mục tiêu tăng trưởng như thế nào?

- Từ những nỗ lực và kết quả bước đầu này, tỉnh vẫn đặt quyết tâm phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 từ 8,6 - 8,8%. Để thực hiện mục tiêu, Bình Dương đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn, ổn định tình hình đời sống, tận dụng triệt để mọi lợi thế sẵn có để bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng chủ động xây dựng những kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong mỗi kịch bản, tỉnh đều dự tính, dự báo tình hình cụ thể, đưa ra đối sách phù hợp, bảo đảm mục tiêu cao nhất là ưu tiên chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để lây lan, bùng phát; tăng cường lãnh đạo, thực hiện tốt các kịch bản, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với quyết tâm chính trị cao nhất, hạn chế thiệt hại do tình hình dịch bệnh gây ra; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ của Trung ương, địa phương cho DN, từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành công thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

- Xin cảm ơn ông!  

 Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và nhân dân đồng lòng, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, giải pháp của Trung ương về công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, bảo đảm nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, việc kiểm soát được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội. Tỉnh cũng đã nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Chính phủ thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới đối tượng là doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

(*) Tựa do Tòa soạn đặt

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=412
Quay lên trên