Wikileaks lại “đột nhập” nước Mỹ

Cập nhật: 30-11-2010 | 00:00:00

Bất chấp mọi ngăn cản của Mỹ, tối 28-11, trang web Wikileaks vẫn công bố hàng trăm ngàn tài liệu, phần lớn xuất phát từ các đại sứ quán Mỹ trên thế giới. Những tài liệu này đã được nhiều tờ báo lớn trên thế giới đăng tải lại làm rúng động Nhà Trắng và nhiều nước liên quan, dù đã được cảnh báo trước.

Nội dung chính của tài liệu

Nội dung của 250.000 tài liệu này (phần lớn là văn thư mật ngoại giao) bao gồm việc đánh giá tư cách cá nhân lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ đồng minh cho tới những nước thù địch với Mỹ. Bên cạnh đó là báo cáo về các điểm nóng hạt nhân trên thế giới, quan hệ giữa Mỹ với Israel và các nước Arập trong bối cảnh Washington lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran cũng như tiềm lực hạt nhân nước này. Tài liệu còn đề cập đến mối quan hệ của Mỹ với chương trình hạt nhân của Pakistan và chính sách của Mỹ với CHDCND Triều Tiên.

Những tờ báo đầu tiên đăng tải các tài liệu này gồm The New York Time (Mỹ), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh), Der Spiegel (Đức)…

Nhân vật đang gây chú ý trên toàn thế giới, chủ nhân trang Wikileaks, Julian Assange.

Nhà Trắng tất nhiên là cơ quan đầu tiên lên án những tài liệu này, cho rằng việc tiết lộ những thông tin như vậy đã “gây nguy hại tới các nhà ngoại giao của Mỹ, những nhà hoạt động tình báo và cả người dân trên toàn thế giới tới Mỹ tìm trợ giúp về dân chủ và xây dựng một chính phủ cởi mở”. Nhà Trắng biện minh rằng các thông tin này không phải là những yếu tố định hình nên chính sách cuối cùng của Mỹ.

Theo ông Philip J. Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên ngoại giao Mỹ từ lâu có một vai trò mới ở nước ngoài. Họ đại diện cho nước Mỹ trên toàn thế giới, làm việc công khai với các chính phủ và hội dân sự ở các nước. Thông qua việc làm này, họ thu thập thông tin đóng góp vào việc định hình chính sách và hành động của Mỹ. “Đây là những gì mà các nhà ngoại giao của Mỹ và nhiều nước khác đã làm hàng trăm năm nay”, ông Crowley nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận nhiệm vụ của các quan chức ngoại giao Mỹ là cung cấp các thông tin cho Cục Tình báo trung ương (CIA). Những thông tin này có thể được Cơ quan An ninh quốc gia sử dụng. Trong các thông tin này, thông tin về chuyến bay có thể được sử dụng để nắm kế hoạch công cán nước ngoài của các quan chức nhiều nước. Nhiều cựu đại sứ của Mỹ ở nước ngoài cho biết, vì nhiệm vụ thu thập thông tin nên họ thường xuyên bị nghi ngờ là tình báo và đôi khi họ đối mặt với khả năng bị trục xuất.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi cho công bố các tài liệu này, nhà sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange nói: “Những thông tin cho thấy Mỹ đã thu thập thông tin tình báo ngay cả các đồng minh và LHQ trong khi làm ngơ trước tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền tại các nước mà Mỹ “ưu ái”, “đi đêm” với nhiều nước và thậm chí vận động cho lợi ích của các tập đoàn của Mỹ”. Ngay sau khi công bố bộ tài liệu này trên Wikileaks, trang này không thể truy cập và quản trị mạng này cho biết họ bị hacker tấn công.

Văn thư ngoại giao - những báo cáo “không dễ chịu”

Tờ Guardian dẫn tài liệu của Wikileaks cho thấy Quốc vương Saudi Arabia Abdullah nhiều lần thúc giục Mỹ tấn công Iran để hủy diệt chương trình hạt nhân của nước này. Tờ báo cũng cho biết các quan chức ở Jordan và Bahrain đã công khai kêu gọi sử dụng tất cả các biện pháp để chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran. Lãnh đạo các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập gọi Iran là “kẻ ác”, “mối đe dọa hiện hữu”... Mặc dù các nước Arab từ lâu không thân thiện với Iran nhưng chưa bao giờ họ công khai những phát biểu như những gì tài liệu công bố.

LHQ ra tuyên bố cho biết họ không ở vị thế để bình luận về vấn đề các tiết lộ của Wikileaks liên quan đến tổ chức này.

Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon coi việc Wikileaks dồn dập tiết lộ các thông tin ngoại giao nhạy cảm là “đáng chỉ trích”, vô trách nhiệm và “có thể đe dọa an ninh quốc gia”. Hiện Chính phủ Canada đang dốc sức đối phó với nguy cơ Wikileaks tiết lộ một loạt các công văn của Mỹ về Canada vào ngày 1-12 tới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên án vụ việc này và cho rằng thủ phạm là “những tên trộm trên mạng Internet”. Tại một cuộc họp nội các ở Rome, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini, cũng khẳng định tài liệu của Wikileaks sẽ gây ra “những hậu quả tiêu cực” và là dấu hiệu của một âm mưu nhằm hủy hoại hình ảnh của nước này.

Tổng chưởng lý của Australia, ông Robert McClelland, cho biết Australia sẽ ủng hộ Mỹ trong mọi hành động pháp lý nhằm chống lại người sáng lập trang web Wikileaks, ông Julian Assange, người Australia.

Tờ Times của Anh nhấn mạnh đến các tài liệu chỉ ra rằng, Mỹ và Hàn Quốc đã tính đến việc “sụp đổ” của CHDCND Triều Tiên trong quá trình chuyển giao quyền lực và khó khăn kinh tế. Hai nước này cũng thảo luận các triển vọng về một Triều Tiên thống nhất trong bối cảnh đó. Các văn thư ngoại giao mật của Mỹ còn cho thấy giới chức tình báo Mỹ tin rằng Iran đã được cung cấp tên lửa tiên tiến từ CHDCND Triều Tiên. Các tên lửa đó được dựa trên thiết kế của Nga, và có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp vùng Trung Đông cũng như một phần châu Âu. Các tên lửa này, có tầm bắn hơn 3.200km, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. Trước đó, các tên lửa đạn đạo của Iran được biết có tầm bắn vào khoảng 2.500km.

Tờ Times còn dẫn tài liệu cho thấy Mỹ đã thất bại trong nỗ lực buộc Pakistan lấy uranium làm giàu khỏi lò phản ứng hạt nhân vì sợ rằng nó được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tờ Times còn chú trọng đến phần tài liệu cho thấy Mỹ dùng những chiêu thức cứng rắn để buộc các nước tiếp nhận những tù nhân tại nhà tù Guantanamo sau khi được Mỹ thả. Chẳng hạn, Mỹ buộc Slovakia phải tiếp nhận một tù nhân nếu Tổng thống Slovakia muốn gặp Tổng thống Mỹ và đảo quốc Kiribati ở Thái Bình Dương được đề nghị hàng trăm triệu USD để nhận một nhóm tù nhân Guantanamo.

Một văn thư ngoại giao tiết lộ rằng khi Phó Tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đến thăm UAE hồi năm ngoái, giới chức địa phương làm việc với Cơ quan chống ma túy của Mỹ phát hiện ra rằng ông mang trên người 52 triệu USD tiền mặt, nhưng cuối cùng ông này đã được phép giữ số tiền mặt này và không phải khai báo nguồn gốc, hay điểm đến của nó. Ông Massoud lên tiếng bác bỏ việc ông mang số tiền đó ra khỏi Afghanistan.

Một thỏa thuận giữa Washington với Yemen để che đậy việc sử dụng các tên lửa Mỹ nhắm vào các mục tiêu al-Qaeda tại quốc gia vùng Vịnh này. Theo đó, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cam kết với Đại tướng David Petraeus, lúc bấy giờ là Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Đông, rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nói rằng các quả tên lửa ấy là của chúng tôi, không phải của các ông”.

Nhà ngoại giao hay tình báo?

Nổi bật trong số các tài liệu của Wikileaks công bố, người ta thấy rõ vai trò của các nhà ngoại giao Mỹ trong công tác tình báo. Các nhân viên ngoại giao Mỹ được lệnh thu thập thẻ tín dụng và số trên các chuyến bay, lịch làm việc và cả các thông tin cá nhân khác như địa chỉ e-mail, tên mạng truyền thông hay dùng… của các chính khách nước ngoài. Vụ việc đã phá vỡ ranh giới truyền thống giữa ngành ngoại giao và tình báo của Mỹ. Trong hồ sơ mật mà Wikileaks tiết lộ cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ thậm chí được cung cấp danh sách hướng dẫn những việc cần làm.

Ronald E. Neumann, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Algeria và Bahrain cho biết, Washington vẫn thường xuyên yêu cầu thu thập rất nhiều thông tin về các nước trên thế giới. Nhưng vị cựu đại sứ này cũng bối rối về việc vì sao các nhân viên ngoại giao không được đào tạo phương pháp thu thập thông tin lại được yêu cầu làm chuyện đó, chẳng hạn như thu thập số thẻ tín dụng.

Theo tài liệu của Wikileaks, Thủ tướng Anh David Cameron được mô tả là  nhà chính trị “hạng ruồi”;Thủ tướng Đức Angela Merkel “bảo thủ”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy “người dễ tự ái, độc đoán”. 

Nói về Thủ tướng Italia, Mỹ cho rằng ông Silvio Berlusconi là một nhà lãnh đạo châu Âu “vô trách nhiệm, tự phụ và không hiệu quả”. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bị các nhà ngoại giao Mỹ miêu tả “nhợt nhạt và không quyết đoán”.

Tổng thống Iran Mahmoud Amhadinejad được xem như “Hitler”. Các nhà ngoại giao Mỹ miêu tả nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadaffi là “kẻ lạ lùng, luôn được tháp tùng bởi một bảo mẫu Ukraine tóc vàng gợi cảm”.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai bị gán “bệnh hoang tưởng” và “là người đàn ông cực kỳ yếu đuối, không lắng nghe thực tế và rất dễ dàng bị lung lạc từ những âm mưu quái lạ nhất nhằm vào ông ta”.

Tài liệu còn mô tả nhà lãnh đạo Kim Jong-il của CHDCND Triều Tiên là “gã già mềm yếu” do “bị tổn thương về thể chất và tâm lý” sau khi bị đột quỵ.

Nhu cầu thu thập thông tin của Mỹ tăng cao khi các cơ quan tình báo nước này mở các chiến dịch dưới danh nghĩa chống khủng bố. Bộ Quốc phòng đã mở rộng hệ thống tình báo của họ ra ngoài vùng chiến sự, đưa cả biệt kích tới các tòa đại sứ để thu thập thông tin về mạng lưới của các tay súng. Tờ New York Times dẫn tài liệu của Wikileaks cho biết, một trong những “chỉ thị” đáng chú ý từ Bộ Ngoại giao Mỹ do Ngoại trưởng Hillary Clinton ký, liệt kê các ưu tiên trong việc thu thập thông tin của các nhân viên ngoại giao Mỹ tại trụ sở LHQ ở New York.

Ngoài việc thu thập các thông tin về chi tiết kèm tiểu sử của các nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên, bà Clinton kêu gọi lấy thông tin chi tiết  một số quan chức cấp cao của LHQ gồm phó thư ký, người đứng đầu các cơ quan chuyên trách, các cố vấn, người đứng đầu các chiến dịch hòa bình, trợ lý Tổng Thư ký LHQ.

Riêng với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, tờ Guardian dẫn nguồn Wikileaks cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu thu thập cung cách ra quyết định và điều hành của ông cũng như ảnh hưởng của ông với ban thư ký. Công ước LHQ năm 1946 cấm hoạt động tình báo ở trụ sở LHQ và mọi hoạt động xâm phạm lợi ích của cơ quan này, nhưng nhiều nước đã phớt lờ. Năm 2004 chẳng hạn, một quan chức Anh tiết lộ rằng Mỹ và Anh đã nghe lén Tổng Thư ký LHQ lúc đó là Kofi Annan vài tuần trước cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003.

Các quan chức Ngoại giao Mỹ tại Asunción, Paraguay hồi tháng 3-2008 nhận được yêu cầu xác định sự hiện diện của al-Qaeda, Hezbollah và Hamas tại khu vực biên giới 3 nước Paraguay, Brazil và Argentina. Các nhà ngoại giao Mỹ ở Rwanda và CHDC Congo hôm tháng 4-2009 được yêu cầu thu thập sản lượng mùa màng, tỷ lệ nhiễm HIV và cả nhu cầu về đồng, cobalt và dầu ở châu Phi.

Trong một yêu cầu gửi tới đại sứ quán Mỹ ở Bulgaria vào tháng 6-2009, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu thông tin về nỗ lực của Bulgaria trong việc tấn công mạng lưới rửa tiền và buôn lậu ma túy; thông tin chi tiết về quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo Bulgaria với các nhà lãnh đạo và doanh nhân Nga.

Một yêu cầu khác được gửi đến Israel, Jordan, Ai Cập và nhiều nơi khác đề ngày 31-10-2008 yêu cầu thông tin về “vấn đề Palestine”, bao gồm “các kế hoạch của Palestine, ý định và nỗ lực ảnh hưởng đến vị trí của Mỹ trong các cuộc thương thuyết Palestine-Israel”

Theo SGGP
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=260
Quay lên trên