Bạch Đằng là một trong những địa phương được chọn thực hiện theo đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế nên, chính quyền và người dân ở đây càng quyết tâm hơn trong việc gìn giữ nét đẹp của văn hóa làng xã. Đó là nền móng cho công cuộc xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Xã Bạch Đằng có 6 ấp: Bình Hưng, Tân Trạch, Điều Hòa, Tân Hòa, Tân Long, Tân An. Xã có 6 ngôi đình, 5 ngôi chùa, một tịnh xá trong đó đình Tân Trạch là di tích văn hóa cấp tỉnh. Ở Bạch Đằng còn có nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đình, chùa, nhà cổ cũng là biểu tượng văn hóa, kiến trúc mà người dân Bạch Đằng luôn tự hào. Di tích cấp tỉnh Đình Tân Trạch, Bạch Đằng
Nơi chúng tôi đến thăm đầu tiên là gia đình ông Nguyễn Văn Chính. Ông sinh năm 1938, người được giới thiệu là “có 50 năm theo sát các chương trình lễ cúng truyền thống của làng xã”. Ông là Trưởng ban quý tế của đình Bình Hưng. Rất tự hào về truyền thống văn hóa quê hương mình, ông Chính giới thiệu chi tiết từng lễ hội dân gian được bà con coi trọng và đến nay vẫn còn gìn giữ. Như: ngày 25 tháng chạp là lễ “Khép ấn” (hiểu nôm na là nghỉ việc để ăn tết!), sáng mùng một đầu năm mới, các bậc trưởng lão làm lễ mong một năm được mùa, bình yên. Tháng 4 âm lịch, làng tổ chức lễ “Tống phong”. Lễ đền ơn đáp nghĩa anh hùng liệt sĩ hy sinh cho quê hương, đất nước được tổ chức vào 27-7 và lễ “Kỳ yên” vào tháng 10 (âm lịch)... Đó cũng là những ngày hội đại đoàn kết với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như đua thuyền, thả vịt... Con cháu, dâu rể trong làng, ai đi xa cũng nhớ những ngày này để về thăm quê...
“Làng xã còn những nếp nhà, những cảnh vật nguyên sơ là điều chúng tôi rất trân trọng, gìn giữ”, ông Chính chia sẻ. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đầu năm đến nay, xã Bạch Đằng cũng đã vận động tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn, hoạn nạn gần 166 triệu đồng, tặng 6 căn nhà đại đoàn kết và giúp 5 hộ dân thoát nghèo...
Dạo quanh cù lao, chúng tôi được các cán bộ xã giới thiệu từng nét hay, đẹp của quê hương Bạch Đằng. “Ở đây không có đất... bỏ không, diện tích trồng lúa, rau màu luôn đạt 100% kế hoạch gieo trồng từng mùa vụ”. Đó là lời nói ngắn gọn pha lẫn niềm tự hào về người dân siêng năng, chất phác ở quê mình. Màu xanh ngút tầm mắt của lúa, của bưởi đang vào vụ tết chứng minh lời nói đó. Chúng tôi còn được đưa đến “thưởng ngoạn” cảnh đẹp ở Khu du lịch sinh thái Mekong Golf Villas.
“ Quy ước của các ấp được in ấn hẳn hoi với các chương, điều, khoản quy định và tuyên truyền đến từng hộ dân. Quy ước là văn bản do nhân dân trong ấp bàn bạc dân chủ đề ra, phù hợp với quy định pháp luật, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp và được nhân dân tự nguyện chấp hành. Tất cả nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội. Trong quy ước của mỗi ấp có quy định rõ ràng, cụ thể từng việc một từ cưới xin, ma chay, bảo vệ tài sản công dân, tài sản công cộng, bảo vệ môi trường, ổn định trật tự xã hội... Để quy ước có hiệu lực hơn, hàng năm, các ấp bình chọn gương người tốt việc tốt để khen thưởng đồng thời phê phán, giáo dục trước cộng đồng những người “coi nhẹ hương ước, quy ước”.”
Chiều xuống trên làng quê Bạch Đằng, nhiều nông dân vẫn cần mẫn bên ruộng rau màu của mình. Xã đã xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở 2 ấp Bình Hưng và Tân Trạch với 13 hộ “kiểu mẫu” trồng rau màu. Nhiều hộ cũng được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất rau an toàn cho mô hình điểm. Dự án 100 ha vườn bưởi đặc sản cũng đang được tổ chức đánh giá thực hiện.
Trong vườn cây xanh tốt ở ấp Điều Hòa, các lão nông sau khi chăm sóc cây cảnh đang “gặp nhau cuối ngày” với chén rượu trắng thật thơm và món nhắm cũng là đặc sản quê hương: tép sông mới xúc còn tươi roi rói và bưởi vườn nhà. Bằng tất cả trách nhiệm của người con Bạch Đằng, ông Trần Văn Tư, sinh năm 1929, Trưởng đình ấp Điều Hòa cho rằng: “Chính quyền và người dân quê tôi vẫn nên bám đất bám làng để phát triển nghề nông. Có phát triển thêm cũng chỉ phát triển ngành du lịch sinh thái. Đừng để môi trường sống bị ảnh hưởng, đừng để mất đi nét đẹp của làng quê hiền hòa này”. Cũng theo những bậc lão nông xã Bạch Đằng, họ luôn mong người dân xã mình dù cuộc sống có tiến bộ đến đâu cũng gìn giữ lề thói của quê nhà, gìn giữ nét văn hóa, đạo đức bao đời mà ông cha đã vun bồi từ hàng trăm năm trước, từ khi khai phá vùng cù lao này...
QUỲNH NHƯ