Nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của xã Minh Hòa đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, tạo đà để địa phương phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu hiệu quả
Xã Minh Hòa có tổng diện tích đất 9.526,71 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 7.607,25 ha. Thế mạnh kinh tế của xã là nông nghiệp, mà trọng tâm là cây cao su với diện tích 7.187,94 ha, chiếm 94,5% diện tích đất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết những năm gần đây giá mủ cao su liên tục sụt giảm, vì vậy người dân đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Đến nay, bước đầu một số mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Địa phương xác định thế mạnh là sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, trong đó chú trọng phát triển cây công nghiệp như cao su, điều. Bên cạnh đó, địa phương cũng quan tâm phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại cây ăn quả có múi áp dụng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, trong cơ cấu ngành nông nghiệp của xã đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần diện tích cây công nghiệp lâu năm, giảm dần diện tích các loại cây hàng năm và cây lâu năm khác hiệu quả kinh tế kém. Đến nay, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn là 7.187,94 ha (trong đó Nông trường Cao su Minh Thạnh có 2.227,94 ha), cây ăn quả có 123,8 ha, cây điều là 55 ha, khoai mì 200 ha, hoa lan 6,2 ha, rau ăn lá có 1 ha. Toàn xã có 31 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây công nghiệp, 16 hộ nuôi chim yến/21 nhà yến. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 460.000 con.
Thời gian gần đây, tại Minh Hòa, nhiều hợp tác xã cây ăn quả, chăn nuôi, cây cảnh ra đời mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Theo lãnh đạo xã, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ xã đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, UBND xã đã đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển ổn định.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới và hướng đến nông thôn mới nâng cao; cùng với đó huy động các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu. Địa phương cũng tuyên truyền phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thực việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích mở rộng sản xuất, kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở mới, phát triển các trang trại chăn nuôi…
Xây dựng chuỗi hàng hóa nông sản sạch
Theo định hướng, trong thời gian tới xã Minh Hòa sẽ xây dựng, phát triển bền vững kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến tới xây dựng chuỗi hàng hóa nông sản sạch cung cấp cho thị trường; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp. Song song đó, xã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; đồng thời giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để nông dân lựa chọn áp dụng tại gia đình...
Ông Trần Văn Sộp, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Minh Hòa Phát, cho biết hợp tác xã được thành lập đầu năm 2018. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã rất phấn khởi vì hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng được chuyển đổi cao hơn trước đây rất nhiều. Hiện hợp tác xã có 63 ha cây trồng các loại, nhưng chủ yếu là loại cây có múi như bưởi, cam, quýt… Đến cuối năm 2019, hợp tác xã có 20 ha cây có múi cho thu hoạch. Nếu tính theo giá thời điểm này, hiệu quả từ cây bưởi gấp khoảng 10 lần so với cây trồng trước đây.
Để phát triển bền vững, ngay từ khi thành lập, các thành viên hợp tác xã đã thực hiện đúng quy trình VietGAP. Dự kiến, trong tháng 8 năm nay hợp tác xã sẽ được ký kết giấy chứng nhận VietGAP. “Chúng tôi luôn xác định muốn phát triển bền vững phải thực hiện đúng các quy trình, quy định, hướng dẫn của ngành chức năng để bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng”, ông Sộp chia sẻ.
Theo bà Lưu Thị Ánh Loan, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tâm Phát, sau một thời gian nuôi gà gia công cho các công ty bà nhận thấy lợi nhuận và thương hiệu của mình không thể phát triển, năm 2018 bà đứng ra thành lập hợp tác xã với mong muốn tìm kiếm đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho hợp tác cũng như ngành chăn nuôi gia cầm của xã Minh Hòa. Đến nay, hợp tác xã hoạt động ổn định, mang lại thu nhập khá với khoảng 500 triệu đồng/năm. Hợp tác xã có 3 trại gà lạnh được đầu tư bài bản. Bà mong muốn nguồn vốn ưu đãi về chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh có quy định dễ dàng tiếp cận hơn để hợp tác xã mở rộng sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao.
Ông Huỳnh Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ông rất mong các cấp, ngành chức năng có những hướng quy hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng vật nuôi để tránh việc nguồn cung vượt quá cầu, gây khó khăn cho người dân như đã xảy ra tại các địa phương trong cả nước thời gian qua. |
TIỂU MY