Xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 18-05-2019 | 10:01:27

Thanh An là xã đầu tiên của huyện Dầu Tiếng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nhưng đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại. Để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả, từ ngày đạt chuẩn, xã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.


Làm đường giao thông nông thôn ở Thanh An.
Ảnh: H.NGA

Diện mạo đổi thay

Đến với xã Thanh An những ngày này có thể nhận thấy một cách rõ nét tinh thần quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc không ngừng thay đổi tích cực diện mạo nông thôn để xây dựng xã NTM nâng cao. Đặc biệt, trong những ngày này, xã đang chờ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, xét công nhận xã Thanh An đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Ghi nhận đầu tiên ở xã NTM Thanh An là đường sá. Những tuyến đường được bê tông hóa sạch sẽ, thông thoáng. Từ đường xã đến đường các ấp, ngõ xóm; những tuyến đường “xương cá”, đường ngõ vào nhà được chỉnh trang gọn gàng. Nhà cửa được nâng cấp, sửa chữa đạt chuẩn, các công trình nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt được xây dựng bảo đảm hợp vệ sinh. Kết quả đó thể hiện sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân Thanh An: không ngừng quyết tâm đổi mới và phát triển. Nhận thức tích cực ấy còn thể hiện ở chỗ người dân nơi đây phát huy tinh thần chủ động nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

Sự nỗ lực đó thể hiện bằng kết quả thực hiện tiêu chí thu nhập đến hết năm 2018, xã đã nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2018, toàn xã chỉ còn 23 hộ nghèo/3.420 hộ chiếm tỷ lệ 0,67%. Bảo đảm tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 95%; tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo trên 65%. Công tác đào tạo nghề, phát triển sản xuất luôn được chú trọng thực hiện, các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn cũng tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho người dân lao động. Đặc biệt là Công ty TNHH MTV Cao su và Công ty Gỗ Phú Đỉnh (Cụm công nghiệp Thanh An) đã tạo việc làm cho trên 3.000 lao động nên tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên luôn đạt theo quy định.

Chăm lo đời sống người dân

Hiện tổng số lao động có việc làm thường xuyên trong độ tuổi lao động của xã là 6.528/6.741 người, đạt tỷ lệ 96,8%. Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã đang hoạt động và kinh doanh có hiệu quả, gồm: Hợp tác xã Xây dựng Tiến An doanh thu năm 2018 là 768 triệu đồng, lợi nhuận trong năm đạt 478 triệu đồng. Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh An doanh thu cuối năm 2018 là 400 triệu đồng, lợi nhuận trong năm đạt trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã đã thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, doanh nghiệp đang đầu tư ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất cây giống, trồng và chăm sóc nông sản chuối cấy mô, liên kết xuất khẩu ra nước ngoài với diện tích 117 ha.

Từ năm 2012 đến nay, xã Thanh An đã huy động được tổng cộng 323 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn vận động doanh nghiệp và nhân dân lên đến 71,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã xây dựng hệ thống giao thông nông thôn bài bản, đồng bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng NTM ở Thanh An không chỉ là chuyện “điện, đường, trường, trạm” đạt chuẩn, sạch đẹp mà là chuyện đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thành Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM đến từng người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua các cuộc họp. Phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Vận động người dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng NTM, như: Đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia vệ sinh môi trường, dọn sạch đường giao thông các ấp trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông; triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế... Nhờ đó, nhiều công trình, phần việc được nhân dân đồng lòng thực hiện đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí quan trọng.

Có thể nói, Thanh An đạt chuẩn NTM đã khó, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao càng khó hơn, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã đã và đang cùng chung tay quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy thế mạnh của địa phương giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM và các danh hiệu đạt được trong thời gian tới.

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần

Thanh An có nhà văn hóa khang trang, bề thế rộng đến 720m2, sức chứa 300 người được xây dựng với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Văn phòng nhà văn hóa xã cũng vừa được hoàn thành với tổng diện tích 731m2, tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân như phòng đọc sách, trạm truyền thanh, phòng internet, các phòng sinh hoạt câu lạc bộ…

Ngoài ra, đất sử dụng vào mục đích thể thao của xã cũng lên đến 15.360m2 với sân bóng đá, sân bóng chuyền, nhà điều hành… khang trang, thoáng đãng, có cả điện chiếu sáng để thi đấu vào ban đêm. Ở các ấp cũng có nhà văn hóa phục vụ hội họp và sinh hoạt cộng đồng dân cư. Anh Nguyễn Bảo ở ấp Bến Chùa, cho biết: “Từ ngày xã có chủ trương xây dựng NTM, tôi thấy đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên đáng kể. Không chỉ có nhà văn hóa, khu thể thao cho thanh niên, thiếu nhi vui chơi mà người già, phụ nữ cũng có nơi sinh hoạt, học tập các chủ trương, chính sách mới”.

HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên