Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, chú trọng làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công (NCC) với cách mạng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của xã Trừ Văn Thố.
Thế hệ trẻ tri ân
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Tiến Mảo, cán bộ thương binh - xã hội xã Trừ Văn Thố khi anh đang tất bật chuẩn bị cho “Tháng cao điểm” phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong câu chuyện xoay quanh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương, anh chia sẻ: “Đền ơn đáp nghĩa” không phải việc “đến hẹn lại lên”, mà là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền và nhân dân trong xã. Đó là tình cảm và sự tri ân của chúng ta đối với những NCC, những người đã hy sinh xương máu cho hòa bình, độc lập. Cũng vì vậy, trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với NCC trên địa bàn, gồm trợ cấp hàng tháng, chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, vay vốn sản xuất, hỗ trợ con em thương, bệnh binh trong học tập... luôn được địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, minh bạch.
Các em học sinh trường THCS Trừ Văn Thố
viếng Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, là ngày lễ lớn của dân tộc, ngoài các hoạt động thường niên, địa phương đang chuẩn bị các hoạt động chăm lo để làm ấm lòng NCC. Theo đó, cuối tháng 6-2017, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các ấp, trường học trong xã treo băng rôn, khẩu hiệu “Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7”, “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”… Một điểm khác biệt so với các năm trước cho lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, xã chỉ đạo các trường học trên địa bàn phải có những hoạt động thiết thực để giáo dục học sinh, thế hệ trẻ thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với sự chỉ đạo của địa phương, các trường trong xã đã đưa ra kế hoạch cụ thể. Một số trường tổ chức cho các em viếng, thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Bến Cát; đơn vị thì viếng Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng; cũng có nơi vận động học sinh đóng góp thăm, tặng quà cho gia đình chính sách... Được tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, em Nguyễn Thị Hậu, trường THCS Trừ Văn Thố tâm sự: “Nhờ viếng Nghĩa trang liệt sĩ, Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng, em mới biết được để có cuộc sống như hôm nay đã có biết bao anh hùng đã ngã xuống. Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, công dân gương mẫu”.
Thiết thực chăm lo
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố cho biết, Trừ Văn Thố là xã vùng nông thôn phía bắc của tỉnh, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa” từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân luôn chung sức, chung lòng để chăm lo thật tốt. Hàng năm, xã đều tham mưu, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC. Trong công tác quản lý đối tượng chính sách hiện đang chi trả cho 39 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng và 172 đối tượng thuộc diện không chi trả hàng tháng. Hàng năm, xã vận động công ty, các nhà hảo tâm đóng góp, tặng hàng trăm phần quà cho đối tượng chính sách. Riêng dịp 27-7 năm nay, xã vận động tặng thêm cho mẹ Việt Nam anh hùng 1 triệu đồng, thương binh nặng 500.000 đồng/người, các đối tượng chính sách khác 300.000 đồng/người.
Cùng với việc chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu, phong trào giúp gia đình liệt sĩ và thương binh, bệnh binh vay vốn sản xuất, từng bước vươn lên giảm nghèo và làm giàu chính đáng cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Nhiều thương binh, bệnh binh đã làm giàu bằng bàn tay và khối óc của mình. Và chính họ lại trở thành những tấm gương, những điển hình “vượt khó” tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Được quan tâm, chăm lo, mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Bảnh, ấp 4, xã Trừ Văn Thố bộc bạch, nhờ có sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ của địa phương, mẹ cảm thấy rất vui. Mỗi dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đều đến thăm, tặng quà cho mẹ. Mẹ vui nhất là thấy quê hương mình thay đổi từng ngày, ai cũng có cuộc sống khấm khá, các cháu được đi học đàng hoàng, thế hệ trẻ biết tri ân những người đã mất mà cố gắng học tập thành tài.
T.LÝ