Những ngày tháng tư này, nhiều người lại nhớ đến chiến công hào hùng của các thế hệ cha ông trên đất Phước Thành xưa (huyện Phú Giáo hiện nay). Hôm nay, về với vùng đất xanh bạt ngàn Phú Giáo, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sức bật đáng nể của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
Phú Giáo đổi thay mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Phú Giáo. Ảnh: KHÁNH VINH
Thay da đổi thịt từng ngày
Từ TP.Thủ Dầu Một, mất 1 giờ đồng hồ đi xe, chúng tôi đến trung tâm huyện Phú Giáo. Trong kháng chiến, nơi đây từng là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Thành. Thập niên 50 của thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Mục tiêu thành lập tỉnh Phước Thành của chính quyền Ngô Đình Diệm là nhằm chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu và Nam Tây nguyên, đồng thời ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Đến ngày 18-9-1961, quân và dân nơi đây đã tấn công tỉnh lỵ Phước Thành và giành thắng lợi hoàn toàn chỉ sau 1 giờ đồng hồ.
Chiến thắng Phước Thành để lại nhiều bài học về tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta. Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành năm xưa giờ là nhà truyền thống huyện Phú Giáo và cũng từng là trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện những ngày đầu mới tái lập huyện.
Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, vùng đất Phú Giáo có lúc nhập vào huyện Đồng Phú (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước), có thời điểm nhập về huyện Tân Uyên. Ngày 20-8-1999, huyện Phú Giáo được tái lập trên cơ sở 6 xã và 1 thị trấn của huyện Tân Uyên, 2 xã của huyện Bến Cát (trước đây) với diện tích 530km2, dân số 60.000 người, trong đó có 11.000 đồng bào dân tộc thiểu số.
Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của huyện Phú Giáo hôm nay là kết cấu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư với tốc độ nhanh, chiếm tỷ lệ chi xây dựng cơ bản từ 25 - 30% trong tổng chi ngân sách toàn huyện. Đến nay, mạng lưới giao thông trong toàn huyện được mở rộng, nâng cấp; nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa. Hệ thống điện trên địa bàn đã được ngành điện, địa phương tập trung đầu tư để phục vụ lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Lưới điện quốc gia đã phủ kín 70/70 khu, ấp trong huyện, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,98% (năm 2000 là 67,4%), tạo đà cho địa phương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
Công tác chỉnh trang đô thị cũng được huyện Phú Giáo thực hiện đúng quy hoạch. Các công trình công cộng, trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, ban ngành, đoàn thể trong huyện được xây dựng khang trang, đạt yêu cầu sử dụng. Cùng với đó, hệ thống cấp thoát nước, các công trình thiết chế văn hóa, nổi bật là công viên tượng đài chiến thắng Phước Thành, hệ thống cây xanh, tuyến đường nội ô thị trấn Phước Vĩnh đã được địa phương quan tâm đầu tư, tạo không gian đô thị ở trung tâm huyện lỵ xanh, sạch, đẹp.
Chăm lo đời sống nhân dân
Không giấu vẻ tự hào về quê hương mình, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết địa phương đang tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục phát triển đột phá về mặt kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, Phú Giáo sẽ đổi mới, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín và năng lực thực sự đến làm ăn tại địa phương. Trong thu hút đầu tư, huyện chỉ thu hút các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, huyện chú trọng ổn định nguồn thu ngân sách để bảo đảm cho địa phương phát triển.
Hiện địa phương đã triển khai công bố rộng rãi quy hoạch nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi tập trung đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận cao. Trên cơ sở đó, huyện sẽ phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm không chỉ cải thiện đời sống nhân dân mà còn thực hiện mục tiêu xây dựng một Phú Giáo xanh, sạch, đẹp. Tất cả những mục tiêu đó đều nhằm vào mục đích chăm lo đời sống nhân dân ngày càng đầy đủ hơn.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên nếu biết rằng, lúc Ngô Đình Diệm quyết định thành lập tỉnh Phước Thành, dọc từ cầu sông Bé lên tận Đồng Xoài chỉ vỏn vẹn khoảng… 300 người dân sinh sống. Ông Huỳnh Văn Xuyến, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo giai đoạn 1974-1976, nhớ lại lúc đó, người dân Phú Giáo sống chủ yếu nhờ vào rừng, săn bắn… Kinh tế địa phương không có gì lại sống dưới sự kìm kẹp của tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn và bè lũ tay sai nên nhân dân ở đây rất khổ cực. Đến khi hòa bình lập lại - mùa xuân 1975, đời sống rất khó khăn. Nhờ tinh thần đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Phú Giáo qua các thời kỳ, đời sống của người dân huyện nhà ngày càng tốt hơn.
Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 3.332 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,19%. Sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng sản phi kim loại như cát, sạn, đất sét, cao lanh và chế biến sản phẩm mủ cao su, hạt điều, lương thực, thực phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho ngành nông nghiệp và phục vụ phát triển công nghiệp, xây dựng của địa phương.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ của huyện Phú Giáo cũng có bước phát triển đáng kể. Các cơ sở kinh doanh, mạng lưới chợ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ văn hóa - thể dục thể thao phát triển mạnh ở thị trấn và các xã dọc đường ĐT741, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, giao dịch, đời sống của nhân dân. Nếu như năm 2000, toàn huyện mới có 647 cơ sở kinh doanh, dịch vụ thì đến nay đã tăng lên 4.815 công ty, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn huyện 5.031 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước (năm 2000 ngành này mới đạt doanh thu 99,7 tỷ đồng).
Đến huyện Phú Giáo những ngày này, chúng tôi được các bậc lão thành cách mạng dẫn đi nhiều địa điểm lưu dấu chân xưa, oai hùng một thuở, in đậm ký ức hào hùng của chiến thắng Phước Thành, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Cũng chính những địa điểm này đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày của huyện Phú Giáo hôm nay. Kinh tế - xã hội huyện phát triển; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, bản anh hùng ca chiến thắng Phước Thành năm xưa chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Giáo thêm quyết tâm xây dựng quê hương thân thiện, mến khách, giàu nghĩa tình.
Hiện nay, thu nhập của người dân huyện Phú Giáo không dựa hoàn toàn vào nông nghiệp như trước, mà còn có công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện cũng có nhiều đột phá. Trên địa bàn huyện hiện có 177 trang trại và 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện cũng đã có các cụm công nghiệp được quy hoạch bài bản, luôn chào đón các nhà đầu tư. Riêng Cụm công nghiệp Tam Lập 1 của Tập đoàn Hưng Hải Thịnh, hiện đã có nhà máy sản xuất lốp xe hơi bán thép chuẩn bị đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.
KHÁNH VINH