Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh, sạch, đẹp

Cập nhật: 09-01-2016 | 10:05:34

Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh, sạch, đẹp trong giai đoạn 2016-2020.

  Tiếp tục xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh, sạch, đẹp trong giai đoạn 2016-2020. Trong ảnh: Một góc KCN Mỹ Phước 3. Ảnh: XUÂN THI 

Chuyển mình mạnh mẽ

Thực hiện chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015, đến nay Bình Dương cơ bản đã trở thành một trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2015, Bình Dương là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, đô thị Thủ Dầu Một cơ bản đạt nền tảng đô thị loại I, cùng với Vũng Tàu, Biên Hòa, Mỹ Tho đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng, chuyển dịch theo đúng định hướng. Toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 9.423 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 65% và 6/8 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích gần 600 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy khoảng 45%. Không gian khu, cụm công nghiệp đa số phân bố theo các trục giao thông hướng tâm vùng là đại lộBình Dương, đường ĐT743C - Sóng Thần và đường Mỹ Phước - Tân Vạn để ra hệ thống cảng sông, cảng biển của vùng.

Các khu, cụm công nghiệp tập trung đa số được quy hoạch đạt chuẩn quốc gia về hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải riêng và được quy hoạch kết nối không gian với các khu đô thị, tạo sự đồng bộ giữa khu sản xuất, khu ở, khu dịch vụ, khu vui chơi giải trí. Hiện nay, không gian công nghiệp có xu hướng dịch chuyển về phía bắc của tỉnh, các cụm công nghiệp tự phát phía Nam đang từng bước chuyển sang xây dựng đô thị.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, kế thừa các thành quả trước đây và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay các mục tiêu tổng quát trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015 đã cơ bản hoàn thành. Đạt được những kết quả này là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, kịp thời theo các mục tiêu đã đề ra của chương trình. Các ngành, các địa phương đã nhận thức sâu sắc và có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các nội dung của chương trình. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới với hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình dịch vụ đô thị đồng bộ, tạo ra hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần kiến tạo diện mạo đô thị Bình Dương.

Tiếp tục phát triển

Theo Sở Xây dựng, mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh, sạch, đẹp; là một trong các tỉnh, thành đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; làmột trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội - an ninh - quốc phòng; là đầu mối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mục tiêu của UBND tỉnh cũng sẽ xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ- đô thị 4.196 ha gắn với nâng cấp, chỉnh trang thành phố Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và các đô thị vệ tinh phía Bắc.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 được duyệt là cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản (nguồn ngân sách nhà nước) và định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực (kết cấu hạ tầng kinh tế chủ yếu, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội) trong từng giai đoạn 5 năm đồng thời làm hồ sơ để nâng cấp đô thị Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị của tỉnh như: Tổng thu ngân sách hơn 54.000 tỷ đồng; dân số toàn đô thị 2.500 người; dân số nội thị 2.050 người; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh 82%; diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực nội thị 30m2 sàn/ người; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cốkhu vực nội thị 50%... Năm 2019, Bình Dương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng để đến năm 2020 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện và 113 đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Nguyễn Thành Tài cho biết, để triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai doạn 2016-2020, trong thời gian tới Sở Xây dựng sẽ kiểm tra giám sát thực hiện các dự án thuộc chương trình, chủ trì xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền và phê duyệt một số cơ chế, chính sách phù hợp... Qua đó, tỉnh cố gắng sớm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra để khoác một diện mạo mới, văn minh và hiện đại cho đô thị Bình Dương.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên