9 tháng qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng tiếp tục được
9 tháng qua, nhiều dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Trong ảnh: Dự án đường Nguyễn Thị Minh Khai, TX.Dĩ An đang được thực hiện Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Đến nay, toàn tỉnh có 176 công trình, trong đó có 100 công trình đã được phê duyệt với tổng kinh phí là 6.104,33 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua, tỉnh đã giải ngân được 574,33 tỷ đồng, bằng gần 10% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt. Còn lại 76 công trình chưa được phê duyệt, phương án bồi thường vẫn bảo đảm tiến độ thực hiện theo hợp đồng đã ký. Nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch của tỉnh đã đề ra, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo đại diện UBND TX.Dĩ An, thị xã có 27 công trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trong đó có 22 công trình đã được phê duyệt phương án với tổng kinh phí 2.290,54 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình, dự án trên địa bàn. Cụ thể, thị xã đã triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, cùng với đó điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện 3 công trình; chi tiền bồi thường, hỗ trợ 7 công trình cho 126 hộ với tổng số tiền 81 tỷ 841 triệu đồng.
Tại TX.Thuận An, công tác giải phóng mặt bằng thuộc công trình đường ĐT743 đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh để nhận bàn giao mốc giải phóng mặt bằng. Đối với công trình nâng cấp, cải tạo các nút giao thông trên quốc lộ 13, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã lập xong dự án bồi thường; hiện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đại diện UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, so với những tháng đầu năm nay, các tồn tại, khó khăn của những công trình trọng điểm trên địa bàn huyện đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về bồi thường được địa phương tăng cường, từ đó nhận thức của đại bộ phận người dân được nâng cao. Do đó, số lượng đơn thư khiếu nại, kiến nghị, bồi thường giảm nhiều so với trước đây. Riêng công trình đường Thủ Biên - Đất Cuốc đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã tiến hành khảo sát để cắm mốc ranh giới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình.
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả tỉnh đã đạt được, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ. Điển hình như, công tác xác định giá đất cụ thể trong bồi thường giải phóng mặt bằng phức tạp, trong khi chưa có nhiều đơn vị tư vấn định giá đất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, năng lực tư vấn định giá đất của các đơn vị chuyên môn còn yếu; trình tự xác định giá đất cụ thể qua nhiều bước và thông qua nhiều cấp nên việc xác định giá đất cụ thể kéo dài… Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Tân Uyên, trong 9 tháng qua, các công trình xây dựng cơ bản đã được địa phương triển khai và đã hoàn tất công tác kiểm kê. Tuy nhiên, việc thẩm định, phê duyệt phương án giá đất mất nhiều thời gian, do đó địa phương không có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, giữa quy hoạch xây dựng dự án với quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ. Mặt khác, cũng có một số hộ dân sinh sống ở nơi khác nên gặp khó khăn trong phối hợp thực hiện. Trong thời gian qua, TX.Dĩ An đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa nhằm hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần vào sự phát triển đô thị của tỉnh. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải tỏa địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đại diện UBND TX.Dĩ An cho biết, một số công trình giao thông phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần; công tác nghiệm thu cột mốc so với thiết kế còn mất nhiều thời gian làm chậm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa. Cùng với đó, người có đất bị thu hồi đất chưa đồng ý với giá bồi thường cùng chính sách tái định cư; trong khi đó giá đất chuyển nhượng tại khu vực xung quanh dự án cao hơn nhiều so với giá đất bồi thường nên đã gây bức xúc cho người có đất bị thu hồi, từ đó dẫn đến phát sinh đơn kiến nghị nâng giá. Ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn ngân sách, do chủ đầu tư thiếu vốn, không bố trí kịp thời để sớm chi trả tiếp nhận mặt bằng (như dự án Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh)... Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh, trong những tháng còn lại của năm, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã được phê duyệt phương án bồi thường. Trong đó, tỉnh phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, khuyến khích cộng đồng tham gia vào dự án giải phóng mặt bằng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân... Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh sẽ theo dõi sâu sát và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý đất đai, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để đẩy nhanh công tác đo đạc cũng như thẩm định mảnh trích đo địa chính nhằm phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ. Tỉnh cũng sẽ quán triệt nguyên tắc công khai và dân chủ các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để mọi đối tượng liên quan đều biết, thống nhất, tránh so bì, thắc mắc và có những suy nghĩ, hành động tiêu cực.
PHƯƠNG LÊ