Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị để cho ý kiến về các nội dung xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Chiến lược bảo vệ biên giới; Đề án và Nghị quyết “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực; làm rõ những nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khẳng định việc triển khai xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Việc xây dựng các hải đội dân quân biển phải quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc, tuân thủ hiến pháp, pháp luật; có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, coi trọng chất lượng chính trị, có tổ chức, biên chế phù hợp; kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo với phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang trên biển.
Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, các đại biểu dự Hội nghị Quân ủy Trung ương thống nhất cho rằng Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là sự cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chiến lược đã nhận định, đánh giá đặc điểm, tình hình, đối tượng, tình huống chiến lược; xác định mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, phương thức xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và đề ra nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện Chiến lược.
Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; trong đó nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách.
Mọi tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên Quân ủy Trung ương đã đề xuất chủ trương, giải pháp tăng cường năng lực xây dựng dân quân tự vệ biển; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới; tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; Chiến lược bảo vệ biên giới.
Cũng tại Hội nghị, Quân ủy Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về Đề án, Nghị quyết “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.”
Hội nghị Quân ủy Trung ương thống nhất đánh giá trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội. Công tác tài chính được vận hành trong cơ chế phù hợp sẽ phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng đối với mọi nguồn lực tài chính; nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo đã xác định rõ mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội phù hợp với pháp luật của Nhà nước về tài chính-ngân sách và đặc thù quốc phòng; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách; phòng tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình quản lý và sử dụng ngân sách.
Các đại biểu thống nhất quan điểm cơ chế quản lý tài chính mới phải theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước, phù hợp với đặc thù quốc phòng; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng, cơ quan tài chính và các ngành nghiệp vụ trong quản lý tài chính; bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, khả thi; tính đồng bộ, kế thừa, phát triển.
Trên cơ sở phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa cơ chế quản lý tài chính hiện hành với cơ chế quản lý tài chính mới; đánh giá tác động, dự kiến những khó khăn khi thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới; xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những yêu cầu trong triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới, Quân ủy Trung ương đã thông qua Nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo, quyết định phê duyệt Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo"./.
Theo TTXVN