Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao

Cập nhật: 09-12-2023 | 17:58:03

Bên cạnh xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ, Bình Dương nỗ lực tạo dựng môi trường sống tốt, phát triển hệ sinh thái bền vững để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.  

Tạo dựng môi trường sống tốt

Tính đến nay, Bình Dương thu hút gần 4.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD, là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam (VSIP I), cho biết Bình Dương đang có những cơ chế, chính sách thông thoáng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Song, trong bối cảnh cạnh tranh mới đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó có việc thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Cụ thể, Bình Dương có hạ tầng công nghiệp tốt nhưng nhà đầu tư cũng cần thêm môi trường sống tốt cho chính họ và gia đình.

“Việc xây dựng cộng đồng thông minh ở Bình Dương là hướng đi phù hợp, nhưng Bình Dương cũng cần tạo dựng môi trường sống thân thiện hơn, xanh hơn. Nghĩa là Bình Dương cần chú trọng hơn về chất lượng cuộc sống, tạo ra lợi thế hơn hẳn so với các tỉnh, thành khác. Bình Dương không chỉ là nơi đáng làm việc mà còn là nơi đáng sống đối với nhà đầu tư cùng với gia đình của họ”, ông Nguyễn Trọng Luật mong muốn.

Ông John Jung, đồng sáng lập ICF gợi ý, Bình Dương cần quan tâm đến hệ thống giao thông hướng đến mô hình TOD; tạo không gian để người dân sinh hoạt, tăng cường không gian xanh để Bình Dương trở thành nơi đáng sống, là nơi thu hút, giữ chân nhân tài và các nhà đầu tư. Xây dựng thành phố thông minh cần tiếp cận một cách toàn diện, không chỉ là công nghệ, dữ liệu mà còn cần phải chú trọng yếu tố con người, nâng tầm giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mô hình sinh thái đổi mới sáng tạo. “Trong xu thế chuyển đổi xanh, Bình Dương cần quan tâm đến hệ thống giao thông thông minh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nghiên cứu phát triển các loại hình giao thông ứng dụng công nghệ cao (như xe điện, xe tự hành…)”, ông John Jung gợi ý.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam (KCN VSIP I)

Lãnh đạo Công ty Becamex Tokyu cho biết muốn xây dựng Thành phố mới Bình Dương trở thành thành phố giáo dục chất lượng cao theo định hướng quốc tế, cần xây dựng các trường đại học mang tầm quốc tế để nơi đây trở thành điểm đến của các sinh viên quốc tế về những khối ngành chất lượng cao. Và vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra sự hợp tác phát triển để xây dựng thành phố mới trở thành trung tâm giáo dục uy tín, là điểm đến của những nhân tài.

Ông Yoshito Hori, người sáng lập và Chủ tịch Công ty Globis Nhật Bản, cho rằng muốn phát triển mảng giáo dục theo hướng quốc tế, thành phố mới phải mời gọi tài năng, “rút” chất xám từ nơi khác đến, xây dựng được một hệ sinh thái mới với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường đáng sống… Muốn làm được điều đó, cần có sự đồng lòng từ các cấp, các ngành của địa phương và đừng quên sự hỗ trợ của Chính phủ.

Bước tiếp vào công nghiệp hiện đại

Đồng quan điểm này, bà Yip Thy - Diep Ta, người sáng lập J3d.ai Labs, (Đức), cho rằng Bình Dương cần thu hút những tài năng về sinh sống, tạo lập môi trường sinh thái tri thức chất lượng cao, có việc làm tốt, cần xây dựng các trường đại học chất lượng cao. Bà Yip Thy - Diep Ta cho rằng ngay lúc này Bình Dương hãy quan tâm đến việc nâng tầm hệ sinh thái sản xuất, nâng tầm lãnh đạo doanh nghiệp, đào tạo lực lượng lao động đang sản xuất tiếp cận công nghệ, thu hút được ngành nghề chất lượng cao, phát triển công nghệ AI… Đó sẽ là cú hích đầu tiên cho sự phát triển một môi trường sinh thái công nghiệp chất lượng cao. Định vị được vị trí về công nghệ, vị trí sản xuất công nghiệp công nghệ cao thì việc phát triển các trường đại học chất lượng, thu hút sinh viên quốc tế sẽ dễ dàng hơn.

Bình Dương cũng đã xác định việc phát triển một hệ sinh thái mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ sẽ giúp tỉnh bước tiếp vào công nghiệp hiện đại theo chiều sâu, làm chủ công nghệ. TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết Bình Dương đã và đang phát triển hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Hệ sinh thái kiểu mới sẽ xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, xanh và bền vững. “Đây là điều kiện để công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai”, TS. Nguyễn Việt Long cho biết.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương đang tiếp tục quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Từ đó, xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía Nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học - công nghệ, để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=303
Quay lên trên