Xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Cập nhật: 17-10-2014 | 08:26:44

Qua 4 năm (2011-2014) triển khai thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức (PCĐĐ) phụ nữ (PN) Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Đề án 343), các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” quyết định sự thành công và khẳng định vị thế của người phụ nữ. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Ánh (trước), cán bộ Hội LHPN phường Thuận Giao, TX.Thuận An đang trả lời phần thi ứng xử tại hội thi “Tự tin - Duyên dáng”

 Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh người PN thời đại mới: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Mục tiêu chung của đề án là tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN theo tiêu chí: Có lòng yêu nước, sức khỏe; tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là PN trong giữ gìn, phát huy và xây dựng PCĐĐ tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các vấn đề đó có thể tóm gọn thành 4 PCĐĐ là “Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, có trên 70% PN và trên 95% hội viên, đoàn viên, nữ thanh niên, nữ cán bộ công chức viên chức và công nhân lao động được tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN; trên 80% hộ gia đình được tuyên truyền và cung cấp tờ rơi các tiêu chí của người PN Việt Nam.

Ngay từ khi triển khai đề án, hội đã có nhiều nỗ lực để thực hiện có hiệu quả. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung đề án, Hội LHPN các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt bằng nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ… gắn với tuyên truyền xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”… Song song đó, việc xây dựng các mô hình tuyên truyền, giáo dục, vận động cũng được quan tâm.

Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, đến được nhiều đối tượng như thanh niên, công nhân, tiểu thương... Hội LHPN các cấp đã xây dựng các mô hình điểm phù hợp với từng đối tượng. Tính đến nay, các cấp hội đã thành lập được 91 câu lạc bộ (CLB) với các tên gọi khác nhau như CLB Người PN mới, PN thế kỷ XXI, Người PN hiện đại, Mỗi hội viên làm một việc tốt, PN phát triển... với trên 300 thành viên tham gia. Các thành viên của những CLB này là những người đi tiên phong tuyên truyền nội dung của đề án tại các chi, tổ và đến từng gia đình hội viên. Để hình thức tuyên truyền phong phú, các CLB còn tổ chức nhiều hình thức như thi biểu diễn tiểu phẩm, hò, vè, thi trắc nghiệm... về PCĐĐ của người PN Việt Nam. Song song đó, các cấp hội còn linh hoạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục lồng ghép vào những cuộc sinh hoạt tổ, nhóm PN, họp mặt truyền thống, hội thi tiểu phẩm tuyên truyền, hái hoa dân chủ, sinh hoạt chuyên đề…

Khơi dậy sự tự tin

Thành công bước đầu sau 3 năm thực hiện là mục đích, ý nghĩa của đề án đã lan tỏa rộng khắp đến từ chi, tổ hội và cộng đồng. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của chị em PN nói riêng và người dân nói chung trong việc xây dựng PCĐĐ trong tình hình mới.

Điều này đã được thể hiện rõ tại hội thi cán bộ hội “Tự tin- Duyên dáng” do Hội LHPN TX.Thuận An tổ chức vừa qua. Vượt lên tất cả những e dè, mặc cảm xấu - đẹp, tuổi tác…, bằng sự tự tin, 33 hội viên đã thực hiện các phần thi một cách trơn tru, hoàn chỉnh, thể hiện được PCĐĐ người PN Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Chị Nguyễn Thị Ánh, ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An người đoạt giải nhất lứa tuổi từ 46 - 55 tại cuộc thi chia sẻ: “Tôi mạnh dạn tham gia vì biết rằng hội thi không phải là cuộc thi về ngoại hình, sắc đẹp, mà là sự tự tin, bản lĩnh của PN. Tôi muốn khẳng định rằng, PN ngày nay đã khác xưa nhiều. Thông điệp của hội thi chỉ rõ rằng, không chỉ bó hẹp trong không gian bếp núc, chị em đã và đang vươn ra thể hiện vai trò với xã hội. Thực tế cũng cho thấy, người PN nào tự tin, tự khẳng định mình thì sẽ được coi trọng…”. Bà Dương Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN TX.Thuận An, cho biết: “Hội thi còn là một cách tuyên truyền hiệu quả. Qua các phần thi sinh động, phong phú, gắn với thực tiễn cuộc sống đã giúp chị em có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng xây dựng PCĐĐ của người PN Việt Nam…”. Cũng theo bà Huyền, thực hiện Đề án 343, thời gian qua, các cấp hội toàn thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Từ đầu năm đến nay, hội đã tổ chức tuyên truyền tại 140 chi hội nữ công nhân nhà trọ; đồng thời thành lập được 10 CLB 343, sinh hoạt mỗi quý/lần.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đánh giá: “Tuy hoạt động chưa nhiều, mô hình chưa phong phú nhưng công tác tuyên truyền của Đề án 343 đã đem lại những kết quả nhất định, giúp chị em ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống. Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn do địa phương có lượng lớn người ngoài tỉnh về sinh sống, phần lớn đều làm việc trong các doanh nghiệp nên hạn chế về thời gian. Vì vậy, trong thời gian, hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng, trong đó chú trọng tuyên truyền ở những địa phương có nhiều lao động nữ.

 

 TIỂU LIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2028
Quay lên trên