Xây dựng lộ trình không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp

Cập nhật: 14-07-2023 | 07:59:25

Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, thời gian qua, huyện Phú Giáo đã chủ động chuyển đổi số, chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng xã hội và người có công (NCC), góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 Cán bộ các ngành và đoàn viên huyện Phú Giáo đến nhà dân tuyên truyền chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

 Hạn chế giấy tờ

Trước đây, mỗi khi cần đến hồ sơ của NCC, cán bộ của huyện Phú Giáo phải vào kho lưu trữ để trích lục. Theo số liệu thống kê, toàn huyện có hơn 2.400 gia đình chính sách, NCC, với cách tìm kiếm thủ công này thì mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hiện nay các công đoạn này đã được số hóa, quản lý trên phần mềm. Cán bộ phụ trách chính sách NCC khi cần hồ sơ chỉ cần nhấp chuột là có thể tìm được thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Anh Võ Thành Phú, cán bộ phụ trách lĩnh vực NCC huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện hồ sơ NCC trên địa bàn huyện đã được số hóa nên việc tìm kiếm đã dễ dàng, thuận tiện hơn. Đặc biệt, số hóa đã giúp tôi hạn chế phải lưu trữ nhiều giấy tờ rất bề bộn. Người dân chỉ cần nêu thông tin là tìm được ngay. Công tác báo cáo, tra cứu và lấy hồ sơ nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, việc cập nhật biến động hồ sơ cũng rất thuận lợi”.

Cùng với việc hoàn thiện số hóa hồ sơ NCC, hiện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Phú Giáo còn tập trung chuyển đổi số trên lĩnh vực xã hội. Theo đó, phòng đã phối hợp các ngành tiến hành chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trẻ em dưới 16 tuổi vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em cấp xã. Đặc biệt, cán bộ phòng cũng rà soát, cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và người hưởng kinh phí chăm sóc. Từ đầu năm đến nay, phòng đã thực hiện tốt việc số hóa, luân chuyển, xử lý văn bản theo quy trình khép kín qua môi trường mạng, đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử, giảm giấy tờ hành chính.

Trao đổi với P.V, ông Bồ Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Giáo, cho biết: “Thời gian qua, Phòng LĐTB&XH huyện Phú Giáo đã chủ động chuyển đổi số trên lĩnh vực lao động, NCC và xã hội để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, giúp việc giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, minh bạch. Phải công nhận rằng chuyển đổi số đã và đang góp phần làm thay đổi rất lớn hoạt động của ngành theo hướng đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi và góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội”.

Dứt khoát không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, huyện Phú Giáo khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Với quyết tâm dứt khoát thực hiện thành công việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt theo Đề án 06, cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện chủ trương này. Thực tế cho thấy, chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã tạo thuận tiện cho các đối tượng hưởng chính sách. Một số người nhận không ở tại địa phương không cần phải làm giấy ủy quyền mà vẫn được nhận chế độ đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, phương thức chi trả này bảo đảm an toàn cao cho đơn vị vận chuyển, giữ tiền khi tiến hành chi trả.

Bà Bùi Phương Ri ở thị trấn Phước Vĩnh cho biết hiện bà đang nhận tiền hỗ trợ hàng tháng nuôi người em bị khuyết tật. Bà Ri chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết cách rút tiền, kiểm tra số dư. Nhờ cán bộ nhiệt tình hướng dẫn, tôi đã cơ bản biết được cách sử dụng thẻ ATM. Chi trả tiền trợ cấp qua thẻ rất tiện lợi, đỡ mất thời gian chờ đợi và không phải di chuyển nhiều”.

Theo tìm hiểu của P.V, đa phần NCC, bảo trợ xã hội là người lớn tuổi, bệnh tật, đi lại khó khăn, không biết sử dụng thẻ ATM. Trong khi đó, cây ATM lại lắp đặt rất ít nên gây khó khăn cho việc rút tiền, một số trường hợp không có nhu cầu nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Chị Lê Thị An, cán bộ thương binh - xã hội thị trấn Phước Vĩnh, cho biết từ trước đến nay, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội đã quen nhận tiền mặt, nên khi chuyển tiền qua tài khoản thì bỡ ngỡ, lúng túng, không biết tiền đã vào tài khoản hay chưa. Đặc biệt, một số người lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, không nhớ số tài khoản, mật khẩu, không biết cách rút tiền lại không muốn nhận qua tài khoản, địa phương phải kiên trì vận động, thuyết phục rất lâu họ mới thực hiện.

Chính sự quyết tâm, kiên trì tuyên truyền, vận động các đối tượng của huyện nên đến nay việc chi trả các khoản trợ cấp không dùng tiền mặt tại huyện Phú Giáo đã mang lại kết quả tích cực. Điều này không chỉ mang lại tiện lợi cho các đối tượng mà còn góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

 Khi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng xã hội và NCC trên địa bàn huyện, Phòng LĐTB&XH huyện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho các đối tượng, phòng đã có các hướng giải quyết, tháo gỡ. Trước mắt, phòng chi trả đối tượng đã có số tài khoản và có mong muốn chi trả qua ngân hàng. Tiến tới, phòng sẽ phân loại nhóm đối tượng để có lộ trình vận động. Đối với nhóm mù lòa, không di chuyển được, tâm thần..., phòng tiếp tục chi trả tiền mặt, tìm phương án, lộ trình để chuyển đổi phù hợp.

 HOÀNG LINH - LÝ HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=454
Quay lên trên