Thực hiện các chỉ thị của Đảng, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa (TT ATGT ĐTNĐ), từ năm 2011, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động cuộc vận động (CVĐ) xây dựng phong trào Văn hóa giao thông (VHGT) với bình yên sông nước trên phạm vi toàn quốc. Sau 5 năm (từ 2011-2015) triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh, phong trào này đã được các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức - xã hội và người dân trong tỉnh ngày càng quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng.
Đại diện Ban ATGT tỉnh tặng áo phao cho các chủ bến khách sang sông trên địa bàn tỉnh trong lễ Phát động CVĐ xây dựng phong trào “VHGT với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020
Từ đó, CVĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy đã giảm đáng kể qua từng năm, góp phần bảo đảm TT ATGT trên địa bàn tỉnh; ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của các cá nhân, tổ chức tham gia giao thông thủy đã được nâng cao; từng bước xây dựng được môi trường giao thông đường thủy an toàn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các ngành, các cấp và toàn dân tham gia phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, vì an toàn trẻ em ở vùng sông nước.
Bình Dương có 3 hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn là sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé cùng với mạng lưới sông, suối, kênh, rạch tương đối dày, nhất là tại các vùng như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát, các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng; đồng thời hình thành nên các tuyến giao thông ĐTNĐ phục vụ vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách ngang sông, du lịch... Do đó, nguy cơ xảy ra TNGT thủy trên vùng sông nước vẫn luôn rình rập, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người; trong đó thiệt hại về tính mạng con người là vô cùng to lớn, không gì có thể bù đắp được...
Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện CVĐ, năm 2016, Ban ATGT tỉnh vừa phát động thực hiện xây dựng phong trào VHGT với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020. CVĐ nhằm mục đích đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT ĐTNĐ, làm chuyển biến về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thủy, nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy, hình thành môi trường VHGT ĐTNĐ văn minh, an toàn.
CVĐ cũng nhằm nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình VHGT đường thủy đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2011-2015, kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình VHGT ĐTNĐ tại các cảng, bến, cụm dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến ĐTNĐ; cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ĐTNĐ lập lại trật tự, góp phần phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm TT ATGT ĐTNĐ; tích cực phát huy hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, các cấp và toàn dân trong công tác bảo đảm TT ATGT ĐTNĐ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về TT ATGT ĐTNĐ; xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với người dân...
Để CVĐ VHGT với bình yên sông nước của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung mang lại hiệu quả cao, đạt được mục tiêu có được môi trường giao thông đường thủy an toàn, xây dựng VHGT thủy, ông Trần Bá Luận, Phó ban ATGT tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông & Vận tải đã đề nghị các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương có tuyến ĐTNĐ, vùng sông nước tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý; kiểm tra, giám sát, thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy ở các bến lên xuống hàng hóa, cảng, bến khách ngang sông, khu du lịch vùng sông nước...; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền về CVĐ, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông ĐTNĐ trên hệ thống thông tin đại chúng để thu hút sự quan tâm hưởng ứng thực hiện CVĐ của người dân tại địa phương...
Theo kế hoạch, CVĐ xây dựng phong trào VHGT với bình yên sông nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016- 2020, có các chương trình cụ thể như sau:
Năm 2016: Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện CVĐ trên toàn tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh, huyện; phát động phong trào VHGT đường thủy tại các cảng sông, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, các cụm dân cư sinh sống ven sông, ven tuyến ĐTNĐ, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ĐTNĐ nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ, bảo đảm TT ATGT trên các tuyến, luồng và hành lang bảo vệ luồng; phát động phong trào trong các lực lượng chức năng thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TT ATGT ĐTNĐ.
Từ năm 2017-2020: Hàng năm, đưa nội dung kế hoạch thực hiện CVĐ vào kế hoạch bảo đảm TT ATGT, xây dựng các kế hoạch chuyên đề thực hiện chương trình hành động CVĐ; xây dựng các nội dung, tiêu chí của VHGT thủy để thống nhất thực hiện trên toàn tỉnh; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về VHGT thủy; tập trung chỉ đạo các địa bàn trọng điểm về ĐTNĐ, vùng sông nước để nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện CVĐ...
Năm 2018: Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện CVĐ.
Năm 2020: Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện CVĐ.
BÌNH MINH