Xây dựng thành phố thông minh: Hướng đến nền kinh tế có giá trị gia tăng cao

Cập nhật: 20-09-2017 | 23:31:23

Xây dựng thành phố thông minh, trong tương lai Bình Dương có thể trở thành nơi hội tụ các chuyên gia và nhà khoa học của cả nước về phát triển thành phố thông minh và công nghệ cao; đồng thời xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của Bình Dương, quảng bá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao.

 Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương hướng đến nền kinh tế có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương cho biết, Bình Dương có nền sản xuất truyền thống dựa trên công nghiệp gia công. Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với nền kinh tế dẫn đến tăng lượng, tăng vật giá, vấn đề nhân công, lao động rẻ…. Những vấn đề này sẽ không còn lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, sản xuất truyền thống cũng tác động đến môi trường. Làm thế nào thay đổi được nền sản xuất truyền thống này, đó là cốt yếu để có thể đưa Bình Dương phát triển sang chương mới. Tỉnh cần bước lên nền sản xuất công nghệ cao để có nền kinh tế có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, các ngành công nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn nhân lực tài năng. Trong khi đó, Bình Dương có nguồn lao động lớn, trẻ, có nền công nghiệp mạnh. Toàn tỉnh còn có 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng. Bên cạnh Bình Dương là TP.HCM, nơi có hơn 50 trường đại học và nhiều trường cao đẳng. Điều này cho thấy tỉnh nhà cũng có thể dựa vào khu vực có thị trường lao động trí thức tương đối cao. Ngoài ra, chính quyền tỉnh rất năng động, sáng tạo. Phát huy những lợi thế này, Bình Dương sẽ ngày càng phát triển.

Một số nước trên thế giới như Singapore, Hà Lan đang coi thành phố thông minh là chiến lược của quốc gia. Trước những thách thức mà tỉnh phải đối mặt, cùng với những cơ hội khách quan đã đặt ra cho tỉnh Bình Dương yêu cầu phải có một mô hình phát triển “thông minh” để nắm bắt toàn bộ cơ hội ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị cho tỉnh giàu mạnh hơn trong tương lai.

Dựa trên những điểm tương đồng giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC, Bình Dương) và Tập đoàn Brainport (Eindhoven, Hà Lan), việc ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp-nhà khoa học/viện, trường) để chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật tiên tiến là khả dĩ nhất để Bình Dương tiến tới thành công trong xây dựng thành phố thông minh. Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu và đánh giá từ 2 bên, ngày 16- 1-2015, tỉnh Bình Dương đã ký kết Biên bản ghi nhớ với thành phố Eindhoven về sự hợp tác và triển khai mô hình phát triển kinh tế - xã hội hợp tác “ba nhà” .

Thành phố thông minh có thể được hiểu là hệ sinh thái sáng tạo, trong đó tất cả thành tố đều liên tục được cải tiến và tối ưu hóa. Thành phố thông minh Bình Dương hướng tới mang lại sự thịnh vượng cho người dân, tạo môi trường thuận lợi và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn khu vực.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Xây dựng thành phố thông minh, hướng đến nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, bên cạnh Nhà nước, Bình Dương đang khuyến khích tư nhân đầu tư cho nghiên cứu phát triển, phân tích tính khả thi và các đối tác tiềm năng cho những sáng kiến nghiên cứu chung… Cùng với đó, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty đang tiến hành thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới trong thực tiễn đời sống xã hội. Cả 2 hoạt động này sẽ hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân trong tỉnh. Còn chính quyền địa phương có vai trò là nhân tố thúc đẩy, tạo cơ hội cho công nghệ và sản phẩm sáng tạo. Hiện nay, Thành phố mới Bình Dương có điều kiện thuận lợi và quy mô cơ sở hạ tầng - quy hoạch tốt, là nơi lý tưởng để bắt đầu cho các dự án nói trên.

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo mở. Chính quyền, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, phát triển tri thức trong cả nước và trên thế giới để tăng cường nền tảng tri thức cho đơn vị mình; cùng với đó xây dựng các trung tâm cho phép sử dụng chung các thiết bị để khuyến khích hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu phát triển. Đây là hình thức cho phép sinh viên khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng chung cơ sở hạ tầng, cùng làm việc với các trường đại học, trường dạy nghề, sử dụng những thiết bị công nghệ cao do các đối tác công nghiệp quan trọng tài trợ.

Ngoài ra, Bình Dương đang có lợi thế rất lớn về chất lượng, số lượng các khu công nghiệp và công ty sản xuất. Để trở thành khu vực sản xuất công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương đang khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới, cũng như mở rộng những doanh nghiệp hiện hữu.

 PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=581
Quay lên trên