Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Cập nhật: 08-10-2013 | 00:00:00

Từ năm học 2008-2009, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT-HSTC) đến tất cả các trường học trong tỉnh. Qua 5 năm, kết quả nổi bật nhất là trách nhiệm của người thầy được nâng lên, học sinh tích cực học tập, rèn luyện; ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục được cải thiện.

Trường Trung Tiểu học Việt Anh tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh vào dịp khai giảng năm học

Nội dung đầu tiên của việc xây dựng THTT-HSTC là xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Từ khi triển khai phong trào này, trường học các cấp trong tỉnh có bộ mặt mới. Cơ sở vật chất các trường ngày càng khang trang, đầy đủ. Sân trường, lớp học được tô điểm bằng cây xanh, hoa kiểng làm cho diện mạo của trường thêm thắm sắc. Có nhiều ngôi trường được xây dựng đã lâu nhưng nhờ được thầy trò chăm chút, nên trường vẫn tươi mới. Đến trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.TDM), cảm giác thân thiện sớm ngự trị trong lòng mỗi người vì ngôi trường hội đủ cả 4 yếu tố: xanh, sạch, đẹp, an toàn. Dù khuôn viên trường nhỏ so với trường bạn, nhưng trường vẫn cố gắng tạo mảng xanh. Trường có mở sổ vàng cây xanh và được phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng. Trường còn trang trí tranh vẽ của học sinh đoạt giải tại các kỳ thi ở những góc cầu thang, hình ảnh hoạt động của nhà trường ở các hành lang. Thực hiện “dân ta phải biết sử ta”, những hình ảnh, câu nói nổi tiếng, thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử được đặt ở những nơi học sinh thường qua lại để giáo dục truyền thống lịch sử Việt Nam cho các em.

An toàn là yếu tố không thể thiếu trong các trường học. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đã phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai chương trình hành động về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh - sinh viên trong nhà trường. Tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; phối hợp với phụ huynh quản lý giờ giấc con em; đề xuất địa phương quản lý chặt chẽ các dịch vụ internet…

Xanh, sạch, đẹp chỉ là hình thức bên ngoài, ngôi trường thân thiện là nơi giáo viên chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập. Cô Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THPT An Mỹ (TP.TDM) cho biết, trường yêu cầu mỗi giáo viên đăng ký một nội dung đổi mới, hạn chế cách dạy thụ động “thầy đọc - trò chép”, “thầy giảng - trò nghe” sang cách dạy tích cực “thầy tổ chức - trò hoạt động”, “thầy chủ đạo - trò chủ động”.

Đến trường, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức văn hóa, mà các em còn được rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hội thi, nói chuyện chuyên đề được tổ chức thường xuyên từ cấp cơ sở đến huyện, thị, TP nhằm góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Trường học thân thiện là nơi học sinh được chơi các trò chơi dân gian. Học sinh ngày càng thích thú với các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, dung dăng dung dẻ, tập tầm vông, đánh đũa, cướp cờ, gói bánh chưng, cờ ô ăn quan… Tìm hiểu và chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa, hầu hết các trường đều có tài liệu giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng của địa phương; chăm sóc các di tích lịch sử, nghĩa trang; thăm hỏi, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ. Cô Lê Thị Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Mỹ (Tân Uyên) cho hay, ngoài việc giáo dục học sinh về truyền thống cách mạng ở địa phương và tham gia chăm sóc bia tưởng niệm liệt sĩ xã vào các dịp lễ, tết, hàng năm nhà trường tổ chức cho học sinh khối 3, 4, 5 tham quan về nguồn, kết hợp tham quan các địa điểm du lịch giải trí để học sinh được học tập và bổ sung thêm kiến thức thực tế.

Từ khi triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC, chất lượng giáo dục đã có chuyển biến đi lên. Số học sinh giỏi ở các trường có tăng lên, học sinh tích cực tham gia thi học sinh giỏi các cấp, chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 được cải thiện. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, hưởng ứng phong trào này, các trường chăm chút từ cảnh quan, có trường dù chỉ là cấp 4 nhưng đã cố gắng xây dựng phong trào. Thân thiện để phát triển, những trường lá cờ đầu của ngành, trường có nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi cũng đi lên từ phong trào này. Giai đoạn từ năm 2013, phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC chuyển sang chương trình hành động. Các trường cần nhận thức đầy đủ chương trình này và mục tiêu cần hướng tới. “Làm sao học sinh xem trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ thứ hai, làm sao học sinh cảm thấy gắn bó với trường lớp, như vậy chúng ta mới thành công”, ông Dương Thế Phương đã đúc kết như vậy.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=639
Quay lên trên
X