Xu hướng ngân hàng và bài toán lãi suất trong năm 2012

Cập nhật: 13-02-2012 | 00:00:00

Trong kế hoạch cải cách kinh tế mà Chính phủ đưa ra, ngành ngân hàng là 1 trong 3 cạnh của tam giác cần phải cải cách. Chính vì thế, theo một số chuyên gia, năm 2012 ngành ngân hàng sẽ có sự tái cấu trúc để cải cách mạnh mẽ bởi các chính sách về tiền tệ của Chính phủ, nhằm kiểm soát lạm phát đang là áp lực đè nặng nền kinh tế.

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong năm 2012, xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng là phải tái cấu trúc vì các yếu tố căn bản của quá trình sản xuất hiện nay đều nằm trong trạng thái cần phải tái cấu trúc lại, trong đó có vấn đề khai thông vốn. Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, năm 2012, Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, nhưng đầu tư từ tín dụng sẽ giảm đi vì chính sách thắt chặt sẽ gây cản trở mục tiêu này. Do đó, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, các ngân hàng phải tiên phong cải cách nhằm đưa dòng tín dụng chảy vào đúng điểm cần thiết để tăng hiệu quả đầu tư. Vì vậy, tái cấu trúc là rất cần thiết đối với các ngân hàng, vừa để tự cứu mình, vừa là đòn bẩy để tăng hiệu suất đầu tư từ tín dụng.

Cũng theo ông Dương, trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng, việc làm đầu tiên mà ngành này cần thực hiện, đó là sắp xếp thành các hệ thống kiểm soát hết các thị trường bằng tổ chức quản lý vi mô các hệ thống ngân hàng mạnh, trung bình và loại bỏ những ngân hàng yếu kém về thanh khoản, không nên quá đề cao mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Nếu thực hiện tốt tái cấu trúc, trong năm 2012, cục diện ngân hàng sẽ chuyển dịch về số lượng, khu vực và những điểm yếu của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đặc biệt là tính thanh khoản.

Bàn về lãi suất trong năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Cùng với đó, nếu đến cuối năm, lạm phát về dưới 8 - 8,5% thì lãi suất huy động cũng hạ còn 10%. Còn tiến sĩ Lê Thẩm Dương thì cho rằng, năm 2012, điều khó khăn nhất là làm cách nào để giữ được tỷ lệ lạm phát mà mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ lãi suất. Trong khi đó, lãi suất lại là tiền đề để giảm CPI. Khi CPI giảm thì sẽ tác động cho lãi suất giảm sâu hơn. Tuy nhiên, với một số tiền đề trong năm 2011, Thống đốc NHNN cho rằng, lãi suất hoàn toàn có thể giảm. Cụ thể, từ tháng 8-2011 trở lại đây, tốc độ tăng của CPI có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát ở Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 8 - 8,5%. “Nếu mục tiêu lạm phát khoảng 8% đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Mặc dù vậy, theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, để giải được bài toán lãi suất, bên cạnh việc kiềm chế tốt lạm phát thì cũng còn cần phải kiểm soát tỷ giá, giá vàng, thị trường chứng khoán. Ông Dương cũng khuyến nghị một số phương án cho bài toán lãi suất trong năm 2012, đó là dùng biện pháp hành chính, giữ nguyên trần lãi suất huy động 14%; giảm lãi suất theo tỷ lệ giảm của CPI; bỏ khống chế đầu tiền gửi và đầu tiền vay; giữ cả hai giới hạn tiền gửi và tiền vay; dùng công cụ thị trường, cho lãi suất thỏa thuận, bỏ hết trần lãi suất...

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=305
Quay lên trên