Trong những năm qua, Bình Dương luôn đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Qua đó, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Tạo động lực và lợi thế để thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao của các công ty, tập đoàn lớn ở nước ngoài đầu tư vào Bình Dương.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận giá trị gia tăng trong các sản phẩm còn thấp, hiệu quả chưa tương xứng với quy mô; kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp (DN) FDI chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn nhưng liên kết với các DN trong nước còn yếu, liên kết giữa các DN còn chưa chặt chẽ, điểm nghẽn về nhân lực và chi phí cao về logistics chưa cải thiện khiến hiệu quả hoạt động hạn chế. Vì lẽ đó, cho dù ngành CNHT của tỉnh đã thực sự cố gắng, thì nguồn cung từ các DN trong nước chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...
Trong kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, như: Kết nối, hỗ trợ DN CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý, quản trị DN, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN lĩnh vực CNHT, Bình Dương cũng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ngày càng hiện đại, đồng bộ, sớm hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử để phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của địa phương.
Để ngành CNHT của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT để phục vụ sản xuất, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành chuỗi cung ứng đa dạng, chặt chẽ, góp phần đưa nền công nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.
NGỌC THANH