Kỳ 1: Ngày càng tinh vi, phức tạp
Tỉnh Bình Dương là địa phương không có biên giới quốc gia nên hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm ít diễn ra công khai, phức tạp. Tuy nhiên, do Bình Dương có hệ thống đường bộ, đường sắt thuận lợi để các đối tượng làm ăn bất chính trung chuyển hàng lậu, hàng cấm từ khắp nơi trong cả nước, làm cho công tác chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng cấm của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Nhập lậu từ túi bột ngọt đến ô tô
Có thể nói, hiện nay hầu hết hàng hóa tiêu dùng đều có thể được làm giả, nhái nhãn hiệu để tuồn ra thị trường. Trong quý I-2017, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra 2.238 vụ, phát hiện 926 vụ vi phạm, đã xử lý 887 vụ. Tổng số tiền lực lượng chức năng xử lý các vụ vi phạm thu nộp ngân sách 56,489 tỷ đồng; trong đó số tiền xử phạt gần 16,160 tỷ đồng, truy thu trên 40,270 tỷ đồng.
Trong năm 2016, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triệt phá được một số đường dây, ổ nhóm lớn vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh), những mặt hàng bị phát hiện, bắt giữ đa phần là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, mỹ phẩm, nước giải khát, hàng kim khí điện máy, điện tử, bột giặt giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp... Trong khi đó, tình hình vận chuyển hàng lậu liên tỉnh Bắc - Nam bằng tàu hỏa tập kết tại ga Sóng Thần (TX.Dĩ An), sau đó chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ diễn ra với chiều hướng tinh vi và phức tạp hơn. Trong năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tịch thu 1.935 bóng đèn led và máng đèn, 92 bộ nhông sên dĩa, 126.367 bao thuốc lá ngoại, 1.112 đôi giày, 389 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu... Số liệu này cho thấy hàng lậu thâm nhập vào Bình Dương rất đa dạng về chủng loại.
Tiêu hủy máy khoan, linh kiện điện giả nhãn hiệu Bosh, Philips tại Công ty TMDV Xử lý Môi trường Việt Khải Ảnh: THANH HỒNG
Đặc biệt, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện một số vụ kinh doanh xe ô tô nhập lậu (chủ yếu là dòng xe có giá trị cao như Lexus, Camry). Một số đối tượng mua nguồn xe này tại Campuchia vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh, sau đó làm giả giấy tờ rồi bán cho người ở Bình Dương tiêu thụ. Năm 2016, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện và tạm giữ 6 xe ô tô (3 xe Lexus, 3 Camry) để điều tra làm rõ đường dây buôn lậu xe ô tô xuyên biên giới này.
Ngành chức năng thừa nhận, hiện rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả, buôn lậu, gian lận thương mại trên thị trường. Không chỉ riêng Bình Dương, nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là địa bàn vùng nông thôn, vùng xa, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang được bày bán nhiều nơi.
Các đối tượng tinh vi, ma mãnh
Đại diện BCĐ 389 tỉnh cho biết, Bình Dương hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cùng hàng chục ngàn hộ kinh doanh đang hoạt động với đầy đủ loại hình kinh doanh. Thực tế này đòi hỏi công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên. Điều đáng nói, thủ đoạn và cách thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi. Theo đó, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, hàng hóa được các đối tượng làm ăn phi pháp vận chuyển bằng xe máy hoặc vận chuyển trên các phương tiện được che đậy kín (ô tô, xe khách) đi theo nhiều ngã đường từ Tây Ninh, Long An, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ về Bình Dương và các tỉnh, thành khác để tiêu thụ.
Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, với sự phát triển nhanh chóng về dân cư cơ học, nhất là người lao động ngoài tỉnh có thu nhập thấp kéo theo sự gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thị trường Bình Dương là cơ hội cho các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng lậu và gia tăng vận chuyển hàng hóa lậu, giả đến địa bàn tỉnh tiêu thụ. Một trong những mặt hàng thường xuyên bị lực lượng QLTT phát hiện vi phạm và phổ biến nhất cho đến nay vẫn là thuốc lá điếu. Nhóm hàng này hầu hết được vận chuyển từ Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh (từ huyện Củ Chi) về Bình Dương.
Hình thức đối phó của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện nay trước cửa Đội QLTT số 7 (huyện Dầu Tiếng) luôn có 1 - 2 đối tượng cảnh giới, khi có động tĩnh từ phía QLTT những đối tượng này báo hiệu cho nhau (đối tượng vận chuyển) nên rất khó bắt giữ. Còn ga Sóng Thần là nơi các đối tượng gian thương thường lợi dụng tuyến đường sắt để vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Bình Dương tiêu thụ, trong đó chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy vậy, đây không phải là con đường nhập khẩu chính ngạch, hàng hóa đa số không ghi nhãn phụ, do vậy sẽ có 2 trường hợp hoặc hàng hóa mua gom của cư dân biên giới hoặc là hàng lậu. Khu vực ga Sóng Thần còn là địa bàn có nhiều kho bãi và là cửa ngõ ra vào quan trọng của Bình Dương, hơn nữa lực lượng QLTT không thể kiểm tra hàng hóa trên tất cả các toa tàu nên diễn biến về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trên tuyến đường sắt này rất khó kiểm soát.
Trong tháng 1-2017, Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính tỉnh Bình Dương và đại diện Công ty Philips đã tiêu hủy số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm máy khoan giả nhãn hiệu Bosch, các linh kiện thiết bị điện giả mạo nhãn hiệu Philips. Trong đợt tiêu hủy này, Chi cục QLTT tỉnh đã tiêu hủy gần 3.140 đơn vị hàng hóa thuộc thẩm quyền của chi cục. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thực phẩm kém chất lượng như đường cát, bột ngọt, nước tăng lực... cũng đã bị lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý, tịch thu
Để xử lý hiệu quả tình hình nói trên, trong kế hoạch công tác năm 2017, BCĐ 389 tỉnh đã bám sát Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ nhằm bảo đảm các yêu cầu về định hướng, mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và diễn biến tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Theo đó,BCĐ 389 tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa đối với tất cả lĩnh vực nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm; đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các sở, ngành… nhằm đẩy lùi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả.
Kỳ 2: Báo động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
T.HỒNG - P.HIẾU