Dịp Tết Quý Tỵ đã cận kề, mặc dù các ngành vận tải đều đã rất tích cực vào cuộc nhưng không cơ quan chức năng nào dám khẳng định sẽ quản lý được chuyện cò vé, tăng giá, nhồi nhét khách…Và hành khách trên lộ trình “hồi hương” vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đang xử lý xe chở quá số hành khách quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), liên ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra xe chở quá tải và sẽ xử phạt thật nặng nếu cố tình vi phạm.
Ngoài ra, ông Quyền cũng khẳng định, đơn vị vận tải nào chưa thực hiện niêm yết số điện thoại đường dây nóng thì doanh nghiệp đó đang vi phạm và sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Quyền xung quanh vấn đề này.
Xe quá tải có bị “lọt lưới”?
- Cứ dịp Tết đến, hành khách đặt vé từ TP.HCM ra Bắc luôn trong tình trạng quá tải. Vậy, năm nay ước tính lượng hành khách sẽ tăng bao nhiêu và liệu lượng xe có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại?
- Tổng cục Đường bộ nhận định, lượng khách đi lại trong dịp tết nếu có tăng thì cũng tăng không quá 5%. Vừa qua, các doanh nghiệp vận tải đường bộ đã tổ chức bán vé trước phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp tết theo biểu đồ chạy của các doanh nghiệp.
Còn việc bố trí xe trong dịp tết, Tổng cục đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh và các bến xe lập kế hoạch bố trí tăng cường các chuyến xe đi vào các ngày cao điểm trước và sau Tết để đảm bảo hành khách sẽ đi trong ngày chứ không phải chờ qua đêm.
Các Sở Giao thông báo cáo hoàn toàn có thể đáp ứng đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp tết.
- Ông có lo ngại về tình trạng các xe nhồi nhét chở quá tải trong dịp tết, nhất là tại tuyến Quốc lộ 1A?
- Chúng tôi đã có chỉ đạo yêu cầu bến xe tăng cường kiểm soát để để đảm bảo không có tình trạng khi xe xuất bến đã bị quá tải.
Còn trên đường, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính xã hội cũng sẽ phối hợp tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông, Trung tâm đường bộ để kiểm tra, xử lý nghiệm các trường hợp chở quá tải.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các Sở Giao thông trên tuyến có kế hoạch dự phòng để sẵn sàng điều động phương tiện chuyển bớt số khách quá tải trên những tuyến xe bị xử lý.
- Việc xử lý xe chở quá tải mọi năm vẫn được các lực lượng Cảnh sát, Thanh tra giao thông phối hợp nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn vào các dịp cao điểm. Vậy năm nay, việc xử lý xe khách chở quá tải có gì khác so với mọi năm?
- Năm nay chỉ có khác về mức xử phạt, đối với trường hợp chở xe quá tải sẽ bị xử nặng theo Nghị định 71. Theo đó mức phạt sẽ tăng lên nếu các xe cố tình vi phạm chở quá tải.
Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng tăng cường kiểm soát và nhận thức của nhà xe thì năm nay tình trạng xe khách chở quá tải sẽ giảm so với năm trước.
- Thực tế, có nhiều chuyến xe chở quá tải đi qua các thành phố. Điều này khiến dư luận “băn khoăn” bởi lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên đứng trên đường nhưng tại sao xe khách chở quá tải vẫn “lọt” qua?
- Đây là câu hỏi đã có nhiều người đặt ra, nhưng chúng tôi cho rằng, chưa có cơ sở để xác định một chiếc xe đi qua nhiều địa bàn thành phố hay là đến một địa điểm nào đó bắt khách rồi mới chở quá tải và bắt đầu bị cơ quan tuần tra kiểm soát xác định.
Nếu có tình trạng này, lực lượng tuần tra chỉ có thể kiểm soát trong một chừng mực nào đó. Họ thực thi nhiệm vụ vào ban đêm nên không có điều kiệm kiểm tra kỹ từng chuyến xe một dẫn đến bị “lọt lưới”.
- Ông có lo ngại hiện tượng tiêu cực trong Cảnh sát giao thông như nhiều tài xế phản ánh rằng, họ phải “làm luật” để được lực lượng này bỏ qua lỗi vi phạm?
- Chúng tôi cũng đã nghe dư luận phản ánh nhiều về tình trạng này. Chúng tôi, trong phạm vi chức năng của mình, cũng đã trao đổi về vấn đề này để cùng với Tổng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tăng cường biện pháp chỉ đạo để quản lý tốt về công tác này.
Phạt xe không niêm yết đường dây nóng
- Dịp tết, ông có nhận được nhiều cuộc điện thoại của hành khách phản ánh về tình trạng họ bị nhồi nhét khách không?
- Tổng cục Đường bộ có thông báo số điện thoại đường dây nóng những thông tin phản ánh của hành khách về tình trạng xe quá tải trên đường. Đường dây nóng này đã nhận được vài chục cuộc gọi về và chúng tôi đã thông báo yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
- Thực tế có rất ít doanh nghiệp dán số điện thoại đường dây nóng trên xe. Vậy với những doanh nghiệp không dán số đường dây nóng trên xe sẽ bị xử lý như thế nào và làm thế nào để bắt buộc các doanh nghiệp vận tải hành khách phải dán số đường dây nóng lên xe?
- Theo quy định về quản lý vận tải, các doanh nghiệp phải niêm yết số điện thoại để hành khách có thể liên hệ phản ánh chất lượng phục vụ về hành trình của xe đến các đơn vị vận tải cũng như các cơ quan chức năng.
Do vậy, những doanh nghiệp nào chưa thực hiện niêm yết số điện thoại đường dây nóng thì doanh nghiệp đó đang vi phạm và sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Tuy nhiên, ngoài việc các cơ quan Nhà nước thanh tra xử lý vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải thì hành khách cũng nên thể hiện thái độ cũng như quyền của mình trong việc lựa chọn chất lượng vận tải hành khách.
- Có ý kiến cho rằng, tình trạng quá tải bến xe tại Hà Nội là nguyên nhân gây nên tình trạng bắt khách dọc đường do xe vào bến thời gian ngắn không đủ thời gian để đón khách. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Theo tôi, việc phương tiện bắt khách dọc đường do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các bến xe quá tải. Bến xe chỉ quá tải trong dịp lễ Tết, nhưng ngày thường hành khách vẫn đứng dọc đường để đón xe. Điều này đặt ra câu hỏi có phải các cơ quan chức năng đã cấp phép cho các đơn vị vận tải quá nhiều dẫn đến tình trạng “cung quá cầu” hay không?
Bản thân tôi cho rằng, thị trường và hiệu quả kinh doanh là câu trả lời cuối cùng. Nếu các nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải thấy không có hiệu quả thì không bao giờ họ đầu tư.
Hơn nữa vận tải là một loại hình bất bình hành, có thể ngày thường lưu lượng khách ít các nhà cung ứng vận tải không sử dụng hết năng lực, nhưng vào dịp lễ tết thì họ lại sử dụng hết năng lực của mình.
Tôi cho rằng, vận tải đường bộ đang là bàn đỡ cho toàn bộ cho lực lượng vận tải của Việt Nam hiện nay (chiếm 90% vận tải cả nước), khi mà lực lượng vận tải đường sắt giải quyết nhu cầu còn rất ít và vận tải hàng không cũng còn ở mức độ do thu nhập của người dân chưa cao.
Quan điểm của Tổng Cục đường bộ là thực hiện đúng theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải. Đơn vị kinh doanh nào có đủ điều kiện thì Tổng Cục và các Sở Giao thông - Vận tải tạo điều kiện cho họ kinh doanh.
-Xin cảm ơn ông.
Theo TTXVN