Xuất khẩu lô tôm đầu tiên sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA

Cập nhật: 11-09-2020 | 15:57:20

Lô sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty Thông Thuận được vận chuyển lên xe chở xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sáng 11/9, tại khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam, trực tiếp là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận đi một số nước châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng ba năm; trong vòng năm năm sẽ xóa 90,3% và trong vòng bảy năm sẽ xóa 100%. Tận dụng lợi thế này, từ đầu tháng Tám đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm 2020. Riêng trong tháng 7/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt hơn 54 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Trong tháng 8 tiếp tục chứng kiến tăng trưởng khoảng 20% so với tháng 8/2019.

Dự kiến đến hết năm sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa cao do vẫn chịu tác động của dịch COVID-19.

Ông Carsten Schittek, Tham tác công sứ-Trưởng ban Thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết hôm nay tôm nước lợ được xuất khẩu sang thị trường EU đã khẳng định sự thành công của Việt Nam và các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Có thể nói, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm của Việt Nam nói riêng là ngành sản xuất có tính cạnh tranh cao. Thực tế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức thuế quan từ 12% trở về 0% sẽ giúp cho ngành tôm Việt Nam thành công hơn nữa trong việc chiếm thị phần cao tại thị trường EU.

Quả thực thị trường EU là đối tác, là khách hàng rất khó tính để thỏa mãn yêu cầu. Bởi lẽ cái đầu tiên họ quan tâm đó là việc phát triển bền vững, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cần phải đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường, về mặt lao động; thứ hai là vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm (SPS). Do vây khi mà hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng thủy sản xuất khẩu vào EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sinh học, hóa học… Tất cả điều đó nghe có vẻ khó nhưng khi đáp ứng được thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn không chỉ ở thị trường EU mà còn thành công ở các thị trường khác.

Ông Carsten Schittek cho rằng, khi thuế quan được dở bỏ và thương mại tăng trưởng sẽ kéo theo sau Hiệp định tự do mậu dịch. Thực tế ở đây EU cũng chưa có con số cụ thể, bởi vì con số cụ thể không thể phản ánh hết được đích thực tiềm năng khai thác giữa hai phía Việt Nam và EU.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh chế biến tôm đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai của tỉnh, chiếm 43,5% trong tổng cơ cấu xuất khẩu của tỉnh; trong đó chủ yếu là từ đóng góp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận, chiếm hơn 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh.

Với nhiều thuận lợi như trên; đồng thời để đón cơ hội vàng từ Hiệp định EVFTA, tạo cú hích cho xuất khẩu nông thủy sản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản chủ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững; qua đó để tăng xuất khẩu, thỏa mãn các yêu cầu của thị trường châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận, ông Trương Hữu Thông, cho rằng trong ba thị trường hàng đầu thế giới mà công ty có xuất khẩu thủy sản thì châu Âu là thị trường có sự ổn định nhất về tiêu thụ, chính sách và giá cả.

Ngay hôm nay, công ty chuẩn bị xuất bốn container tôm đông lạnh đi các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh với số lượng hàng trăm ngàn tấn. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận nuôi trồng, sản xuất và chế biến tôm xuất khẩu theo quy trình khép kín. Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của công ty đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP..., đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của quốc tế.

Đối với thị trường châu Âu công ty có đầy đủ các chứng chỉ như: GLOBAL GAP; ASC; BRC; BAP 3 SAO; IFS; BSCI; SEDEX và BAP 4 SAO, tạo ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, được khách hàng các nước tin tưởng, thị trường luôn tăng trưởng. Tính tới 31/8/2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu của toàn hệ thống đạt gần 70 triệu USD./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=971
Quay lên trên