Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ:Kỳ vọng tiếp tục một năm thắng lợi

Cập nhật: 10-01-2020 | 08:02:11

Năm 2020, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh dự báo kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để vào thị trường tiềm năng nhưng không kém phần khó khăn này, DN cần nắm rõ yêu cầu thị trường cũng như theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế của quốc gia này.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty may mặc Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Khai thác tốt cơ hội

Theo thông tin từ Cục Hải quan Bình Dương, năm 2019 tổng số hàng hóa trên địa bàn làm thủ tục xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 4,7 tỷ USD. Trên thực tế, con số này còn nhiều hơn, bởi đây chỉ là con số thống kê lượng hàng hóa các doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương. Số DN làm thủ tục tại các tỉnh, thành khác Cục Hải quan Bình Dương không thể thống kê hết.

Đối với ngành gỗ, số liệu của Sở Công thương cho thấy trong năm qua, kim ngạch xuất ước đạt 3,46 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2018; đa số đơn hàng đến từ thị trường Hoa Kỳ. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, cho biết dự báo xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh, khoảng 30%. Do đặc tính tiêu dùng của người Mỹ luôn là điểm hút của các ngành hàng, trong đó có ngành nội thất. Hiện một số DN gỗ trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đến hết tháng 6-2020.

Cùng quan điểm này, theo ông Nguyễn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ Bình Dương, tuy đơn giá các mặt hàng vào thị trường Hoa Kỳ không cao nhưng bù lại số lượng lớn và đơn hàng ổn định. Tuy vậy, cơ hội chỉ rộng mở đối với các DN đủ năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường này.

Đối với ngành dệt may, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết sau một năm cố gắng, các DN trong ngành kỳ vọng trong năm 2020 sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan. Riêng thị trường Hoa Kỳ, số đơn hàng của các DN dệt may hiện khá ổn định, nhưng điều quan trọng là DN phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường này yêu cầu, nhất là về chất cấm trong sản phẩm và xuất xứ hàng hóa.

Trong năm 2019, Sở Công thương đã hỗ trợ các DN dệt may Bình Dương tham gia Hội chợ Magic 2019. Hội chợ đã mang lại cho các DN nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà nhập khẩu, bán lẻ hàng dệt may lớn của Hoa Kỳ, các nhà sản xuất hàng may mặc, nhà cung cấp nguyên phụ liệu khác…

Xử lý hiệu quả những thách thức

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đánh giá Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số 1 về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Tốc độ tăng trưởng vào thị trường Hoa Kỳ trung bình từ 15 - 17%/năm. Nếu như năm 2018 xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt trên 3,6 tỷ USD thì năm 2019 con số này đã đạt gấp đôi.

Mặc dù vậy, tại thị trường Hoa Kỳ, thách thức lớn mà ngành gỗ đang phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị cơ quan thương mại Hoa Kỳ để ý về việc lẩn tránh thuế của DN Trung Quốc. Để tránh gặp phải những bất lợi từ thị trường Hoa Kỳ, DN gỗ và sản phẩm gỗ trong nước phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Đồng thời, các DN cần phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại.

Vấn đề đáng quan tâm nữa, gần đây Việt Nam bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Hoa Kỳ. Về phía DN, đặc biệt là các DN có yếu tố xuất nhập khẩu, DN có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanhh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, DN cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phát sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất… để bảo đảm chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.

Đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, bà Marie C.Damour, tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, đánh giá cao quá trình xây dựng, phát triển đô thị hiện đại, phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, để thu hút được các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bình Dương cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với tỉnh phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.

Hiện các DN Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh khoảng 770 triệu USD, đứng thứ 12 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1103
Quay lên trên