Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); thảo luận tổ nhiều nội dung còn vướng mắc trong quá trình xây dựng Luật trên.
Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).
Cùng với đó, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp đối với hình thức: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh) với các nội dung về: Đăng ký doanh nghiệp; Quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.
Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nên hay không việc đưa "hộ kinh doanh" vào luật
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Một số ý kiến nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình "hộ kinh doanh" vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động.
"Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa," đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp.
Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng.
Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Bình phát biểu thảo luận ở tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải thêm, ở các nước, kinh tế hộ gia đình quản lý bằng thuế khóa, chứng từ, doanh thu, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ quản lý được bằng hình thức thuế, không có hóa đơn chứng từ, doanh thu. Thậm chí, có những hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn hơn doanh nghiệp nhưng vẫn không quản lý được.
Đại biểu cho rằng, cần thực hiện quản lý các hộ gia đình bằng chính sách thuế, các nghị định, thông tư theo đúng pháp luật.
Cần đánh giá toàn diện nội dung doanh nghiệp nhà nước
Thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đặc biệt là Điều 87a về doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá toàn diện tác động của nội dung sửa đổi này trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được tiến hành. Đồng thời Ban soạn thảo cũng cần rà soát các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tránh lúng túng và trì trệ khi áp dụng.
Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi định nghĩa lại doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hay tổng số cổ phần có quyền biểu quyết hoặc nhà nước nắm giữ 100% ( Điều 87a). Tuy nhiên, về mặt hệ thống của dự án luật có nhiều điều, khoản còn mâu thuẫn lẫn nhau.
Cụ thể: ở Điểm C, Khoản 2, Điều 18 về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp có quy định: Người quản lý tại doanh nghiệp nhà nước không được quyền thành lập, góp vốn.
Đại biểu đề nghị xem lại nội dung này vì người quản lý tại doanh nghiệp nhà nước gồm: Chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác; trong khi đó, những người này không hoàn toàn là người đại diện phần vốn nhà nước.
Do vậy, quy định những cá nhân này không có quyền thành lập góp vốn, mua cổ phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp là chưa thỏa đáng./.
Theo TTXVN