Những “bông hoa” trong lòng địch: Tuyên án

Cập nhật: 25-08-2014 | 09:12:46

Xã Tân Bình (Tân Uyên) những năm 60 trở nên ác liệt. Địch đã phát hiện vùng đất này là cửa ngõ vào chiến khu Đ nên chúng tung mật vụ, cảnh sát chìm dày đặc, truy tìm cán bộ ta hòng dập tắt phong trào cách mạng. Thế nhưng, chúng đâu biết rằng, giữa khu rừng đầy bom đạn, chết chóc ấy, một kế hoạch trừng phạt những tên ác ôn đang được vạch ra…

Kỳ 5: Tuyên án

>> Xem kỳ trước

 Đồng chí “bí thư chi bộ” Phạm Thị Nhàn (thứ 4, từ phải qua) thời hoạt động ở chiến khu Đ

Tiếng súng trong màn đêm

Đêm hôm đó, khoảng 20 giờ, trời không trăng, không gian phủ một màu tối đáng sợ. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ, xé toạc màn đêm đang yên tĩnh. Từ phía cánh rừng cao su, chiếc xe Jeep rú ga lù lù tiến về phía trước, ánh đèn sáng quắc rọi xuống mặt đất loang lỗ những hố bom. Băng qua những lô cao su, chiếc xe bất ngờ dừng lại trước một căn nhà khang trang. Cách đó chừng 200m, cô gái 17 tuổi Trần Thị Hường đã nhìn thấy chiếc xe và điều này chẳng xa lạ hay bất ngờ. Nó về nhà đó mà, tuần nào mà không như vậy - cô nghĩ thầm! Ừ mà sao cách mạng chưa hành động nhỉ, kế hoạch theo dõi, quy luật đi lại của nó mình đã báo cáo rõ ràng rồi, hay là...! Cô Hường đang phân vân về việc trừng phạt tên khát máu.

Cửa mở, người đàn ông trung niên dáng cao to và khuôn mặt lạnh lùng từ trên xe bước xuống. Bên hông ông ta lủng lẳng khẩu súng côn, lúc nào cũng nạp đầy đạn. Ông nội về… Ông nội về…! Dừng ngay! Cẩn thận! Sau gốc cổ thụ ven đường, tiếng người chỉ huy tốp ám sát rít lên từng câu. Trẻ em không có lỗi, không ai có lỗi cả, chỉ tên này mới nợ máu cách mạng - người chỉ huy căn dặn. Nhìn kìa, đứa trẻ đã chạy vào nhà. Hành động! Người chỉ huy ra lệnh. Đoàng… Đoàng…! Tiếng súng cách mạng nổ vang trong đêm tĩnh mịch.

Báo cáo chị bí thư: Tên Trần Văn Thôi đã bị tiêu diệt. Giọng cô Hường run lên vì cảm động. Chị biết rồi, đồng chí bí thư đáp lại. Vậy là cách mạng đã loại trừ được một kẻ cực kỳ gian ác. Hàng trăm chiến sĩ ta đã đổ máu vì nó, nhưng ta vẫn nhân đạo, đã gửi thư cảnh cáo nhiều lần nhưng hắn vẫn ngoan cố, buộc ta phải nổ súng, kết thúc một cuộc đời tội lỗi, khát máu. Người cán bộ giải thích cho Hường nghe.

 Đại tá Trần Thị Hường (trái) cùng với một đồng đội khi ra Hà Nội học năm 1976

Mấy hôm sau, cũng tại cánh rừng cao su giáp ranh xã Tân Bình, tiếng súng cách mạng lại vang lên một lần nữa dành cho kẻ chỉ điểm tên Be. Sau cái chết của 2 tên ác ôn, những tên ác ôn khác lần lượt bỏ trốn vì sợ trừng trị. Phong trào cách mạng ở Tân Uyên tiếp tục trỗi dậy. Cô gái Trần Thị Hường được tổ chức khen ngợi. Tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi nhưng cô đã lập nên những chiến công vang dội. Từ nay cô chính thức thoát ly, công khai hoạt động trên cương vị mới: Trưởng công an xã Tân Bình.

Đồng chí bí thư chi bộ là ai?

Sau chiến thắng Phước Thành, mùa khô 1966, đồng bào Sông Bé vô cùng phấn khởi khi nghe tin chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ. Đây là một trận đánh rất táo bạo của bộ đội ta, tiêu diệt tiểu đoàn quân Mỹ chiếm đóng. Năm 1986, trong lần trở lại chiến khu Đ, đi dưới những cánh rừng năm xưa, sống lại những ký ức về một thời binh lửa, Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đã viết lại một câu chuyện có thật rất cảm động về trận đánh oanh liệt này. Câu chuyện có tiêu đề “Bức thư gửi lại người đang sống”, kể về 3 chiến sĩ hy sinh ở đầu nguồn sông Đồng Nai khi đã hoàn thành nhiệm vụ nghi binh để đơn vị chủ lực đánh trận Bông Trang - Nhà Đỏ. Chuyện kể rằng sau giải phóng, người ta đã phát hiện 3 chiếc võng mắc giữa rừng và trong đó có 3 bộ hài cốt, 3 lá thư gửi cho thế hệ mai sau…

Liên tục bị ta đánh bại, địch ráo riết gom dân vào ấp chiến lược. Nhà ông Trần Văn Nữa, bố của cô gái Trần Thị Hường cũng bị chúng bắt vào ấp chiến lược Chánh Lưu, xã Chánh Phú Hòa (Bến Cát). Nhưng không vì thế mà phong trào cách mạng lắng dịu. Cán bộ đêm đêm vẫn đột kích vào ấp chiến lược sống cùng nhân dân.

Một buổi sáng, trời vừa hừng đông, bỗng nghe tiếng nạt nộ, hô hào, tụi lính ngụy sư đoàn 5, đóng ở Lai Khê bất ngờ xuất hiện. Địch bao vây ấp chiến lược Chánh Lưu quyết liệt. Vòng ngoài là lính Mỹ, trong ấp có 1 tiểu đoàn ngụy và mỗi nhà có 1 tốp lính đến khám xét. Chúng đánh đập dã man những thanh niên trốn lính. Đau quá, một thanh niên chợt chỉ tay vào căn nhà ông Trần Văn Nữa, nói: “Đừng đánh tôi nữa, nhà ông này có cán bộ thường lui tới”. Lập tức, một tiểu đội ngụy xông đến bao vây nhà bố cô Hường. Chúng lôi ông ra đánh hộc máu mồm, máu mũi. Khai mau! Hầm bí mật ở đâu, tụi lính hét lớn. Dù đau đớn nhưng ông Nữa một mực trả lời: “Không biết!”. Chúng lại dội nước cho ông tỉnh rồi tiếp tục đánh. Chúng cho người cầm những thanh sắt dài, nhọn thọc xuống đất, tìm hầm bí mật. Ông Nữa lúc tỉnh lại, lo lắng. Bởi trong vườn nhà ông có 3 hầm bí mật gồm: Hầm chứa vải, hậu cần của bộ đội, hầm chứa thuốc y tế của chiến khu và hầm cho cán bộ ở… Ha.. ha.. ha! Tên sĩ quan ngụy cười hô hố khi thanh sắt trong tay nó vừa chọc đúng lỗ thông hơi một căn hầm. Hàng sống, chống chết! Chúng gọi hàng oang oang vào lỗ thông hơi. Mặt đất vẫn yên tĩnh như không hề có chuyện gì xảy ra.

Dưới căn hầm có 3 người. Lý lịch trích ngang: 1- Đồng chí Phạm Thị Phi, bí danh Phạm Thị Nhàn, Bí thư Chi bộ xã Tân Bình, người từng giao nhiệm vụ cho cô Hường theo dõi, tiêu diệt 2 tên ác ôn Thôi, Be, chức vụ khi đó là Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Sông Bé, vừa mới vào ấp chiến lược Chánh Lưu. 2- Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Công an xã Tân Bình, chức vụ vừa mới nhận thay cho cô Hường lúc này đã về huyện công tác. 3- Đồng chí Hai Bi, quê miền Tây, cán bộ hậu cần quân khu đang vào ấp chiến lược tìm mua lương thực cho bộ đội.

3 người đang kiên cường đối mặt với quân thù trong tình thế hiểm nghèo. Sau một hồi gọi hàng không được, địch điên cuồng ném tạc đạn xuống hầm. 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Chúng đào hầm, lôi xác các đồng chí lên nhưng không thu được thứ gì. Toàn bộ tiền, tài liệu, đều nát vụn. Chứng tỏ, trước lúc hy sinh, các đồng chí đã xé nát tất cả. Đó là hành động anh hùng. Rất may, 2 căn hầm con lại, chúng không phát hiện được. Ông Nữa bị chúng bắt về bót…

Ôi chiến tranh! Chiến tranh đã làm bao thân xác tan nát và những trái tim rướm máu. Ngay trong buổi chiều tang thương ấy, chàng trai trẻ Trưởng Ban an ninh Sông Bé N.C.T. (hiện đã qua đời) đang tươi cười giữa rừng chiến khu Đ bỗng sững sờ, lặng im khi nghe tin người yêu Phạm Thị Nhàn hy sinh. Anh đang trên đường vào chiến khu Đ để cùng cô làm lễ tuyên bố kết hôn. Bước chân anh khựng lại. Rừng chiến khu Đ hoa trắng nở bạt ngàn: Ai viết tên em thành liệt sĩ/ Bên những hàng bia trắng giữa đồng/ Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng… (Núi Đôi - Vũ Cao).

Câu chuyện giữa chúng tôi với đại tá Trần Thị Hường tạm dừng lại ở đây. Bà đứng dậy thắp một nén nhang trên bàn thờ liệt sĩ Phạm Thị Nhàn rồi ngồi trầm ngâm. Tôi thấy trong ánh mắt kiên cường của bà lúc này sao đượm buồn quá.

Kỳ 6: “Hoa chanh”

 

 KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1331
Quay lên trên