Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế: Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh cúm A

Cập nhật: 16-04-2013 | 00:00:00
Tính đến ngày 14-4, ở Trung Quốc đã có 60 người nhiễm vi-rút cúm A (H7N9), trong đó có 13 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A (H7N9), tuy nhiên theo nhận định của Bộ Y tế, cúm A (H7N9) có thể lây lan và bùng phát thành dịch. Để hiểu rõ hơn về cúm A (H7N9) và các biện pháp phòng ngừa bệnh, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế…

 - Xin BS cho biết, cúm A (H7N9) là gì?

- Bệnh cúm A (H7N9) là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tác nhân gây bệnh là vi-rút cúm A (H7N9) có nguồn gốc gen từ vi-rút cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người. Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện tại nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền của dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng.

- Người mắc cúm A (H7N9) thường có những triệu chứng gì, thưa BS ?

- Người mắc bệnh cúm A (H7N9) thường có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt đột ngột, ho, đau họng, khó thở, đau ngực, viêm phổi nặng và suy hô hấp.

Triệu chứng nói trên phải có liên quan đến một trong các yếu tố sau: Trong vòng 14 ngày trước khi bệnh khởi phát, người bệnh đã ở và đi về từ vùng có dịch cúm A (H7N9); tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh cúm A (H7N9) trong vòng 14 ngày trước khi bệnh khởi phát; tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm hoặc chết trong vòng 14 ngày trước khi bệnh khởi phát. Người bệnh cần phải được xét nghiệm mới biết có phải do nhiễm cúm A (H7N9) hay không.

- Mặc dù tại Việt Nam cũng như trên địa bàn tỉnh chưa có ca nào mắc cúm A (H7N9), tuy nhiên theo nhận định của Bộ Y tế, thì vi-rút có thể lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang vi-rút không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư… Trước thực trạng đó, ngành y tế tỉnh nhà đã và đang triển khai công tác giám sát và phòng, chống bệnh như thế nào, thưa BS?

 - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động triển khai công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; củng cố cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu để kịp thời cách ly điều trị ngay từ ca bệnh đầu tiên có nghi ngờ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về bệnh cúm A (H7N9) và các biện pháp phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Sở Y tế cũng đang xây dựng phương án chủ động phòng chống dịch cúm A (H7N9) trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Xin BS cho biết rõ hơn về những biện pháp phòng bệnh cúm A (H7N9) của ngành y tế?

- Trong thời điểm hiện nay, công tác giám sát để phát hiện sớm ca bệnh nhằm xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng là biện pháp quan trọng nhất, cụ thể: Giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện; giám sát những người từ nước ngoài trở về, nhất là từ những nước đang có dịch (trong vòng 14 ngày). Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A (H7N9). Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

 Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các cấp trong giám sát, chia sẻ thông tin, báo cáo về tình hình dịch bệnh ở gia cầm để chủ động giám sát và phòng chống dịch bệnh ở người.

- Ngoài vai trò của ngành y tế, để chủ động phòng, chống dịch cúm A (H7N9), BS có khuyến cáo gì nhằm giúp người dân biết cách bảo vệ sức khỏe của mình?

- Để chủ động phòng bệnh cúm A nói chung, cúm A (H7N9) nói riêng, người dân cần phải tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách: Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/ chết/không rõ nguồn gốc; tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý; nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn..

- Xin cảm ơn BS!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên