Bầm dập mua thuốc bệnh viện

Cập nhật: 24-07-2012 | 00:00:00

Liên tục trong mấy tuần qua, một loạt nhà thuốc của các bệnh viện tuyến trên trực thuộc Sở Y tế TPHCM phải đóng cửa, khiến hàng ngàn người bệnh chen chúc, xô đẩy nhau mua thuốc mỗi ngày ở các nhà thuốc còn lại của bệnh viện. Nguyên nhân được xác định là do áp dụng Thông tư 15/2011/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện của Bộ Y tế ban hành tháng 4-2011 quá máy móc, khiến nhiều bệnh viện “khóc dở, mếu dở”.

  Bệnh nhân chờ mua thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.    Giẫm đạp mua thuốc

Mới 8 giờ ngày 23-7, phía trước nhà thuốc của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã không còn một lối đi. Hàng dài bệnh nhân chen chúc, xô đẩy, ai nấy mướt mồ hôi hột để cố mua được thuốc. Cụ Nguyễn Anh Kha (65 tuổi, ngụ quận 8) vừa cầm toa thuốc lách qua hàng người liền bị đẩy lùi ra sau vì chân yếu, tay lại bị bó bột nên cụ không thể chen được. “Tui đợi cả tiếng đồng hồ rồi mà chưa nộp được toa thuốc. Đông thế này biết bao giờ mua được đây”, cụ Kha than thở. Nhiều người khác cũng tay cầm toa thuốc vừa huơ huơ lên trời, miệng vừa kêu ơi ới vì bị… giẫm phải chân. Một không khí ngột ngạt bao trùm quanh nhà thuốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, không ai nói với ai một lời ngoài việc dùng hết sức bình sinh để chen chân mua được thuốc. Nhiều bệnh nhân bức xúc cho biết tình trạng trên đã diễn ra từ gần một tháng nay và có hôm phải đợi đến 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa mua được thuốc.

Trong khi hầu hết bệnh nhân đến khám, điều trị là bị chấn thương chân, tay nên việc chen lấn lại càng nguy hiểm. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, nói trước đây bệnh viện có 2 điểm bán thuốc nhưng gần tháng qua đã đóng cửa một điểm bán. Trong khi đó, hàng ngày bệnh viện phục vụ tới 1.500-1.700 bệnh nhân đến khám, điều trị và khoảng 700-800 bệnh nhân phải mua thuốc, thậm chí cao điểm cả ngàn bệnh nhân. Do đó, hiện bệnh nhân chỉ dồn về mua thuốc tại một điểm. Trong khi diện tích bệnh viện quá chật hẹp, muốn mở rộng nhà thuốc cũng không được.

Có mặt tại Bệnh viện Nhân dân 115 sáng qua, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự như trên. Hàng dài bệnh nhân rồng rắn chen nhau giữa cái nắng hầm hập để đợi đến lượt mua thuốc. Bệnh nhân Nguyễn Hồng Đào (ngụ quận 10) bức xúc cho biết, mỗi lần khám xong đợi mua được thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện là mất cả buổi sáng, trong khi trước đó chỉ mất 10-15 phút. Trước đây bệnh viện có tới 3 nhà thuốc, nhưng từ cuối tháng 5-2012 vừa qua, bệnh viện đóng cửa hết 2 nhà thuốc, chỉ còn lại 1 nhà thuốc chính ở cổng.

Dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, phụ trách Khoa dược Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, để đủ điều kiện mở thêm nhà thuốc bắt buộc bệnh viện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch - Đầu tư xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì được trả lời “bệnh viện là cơ quan hành chính sự nghiệp có thu nên không thể cấp”. “Hiện nay bệnh viện khóc dở, mếu dở. Nếu mở nhà thuốc ra thì bị coi là hoạt động “chui”, còn không mở thì thật bất công khi người bệnh chờ đợi”, dược sĩ Trung nói.

    “Cò” lộng hành

Tìm hiểu của phóng viên được biết, ngoài 2 bệnh viện nói trên, một loạt bệnh viện khác thuộc tuyến trên của TPHCM cũng phải tạm dừng hoạt động 1-2 nhà thuốc như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Hùng Vương… Tình trạng này đang nảy sinh ra rất nhiều hệ lụy. Một dược sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết đã xuất hiện tình trạng “cò” mua thuốc ngay tại cổng bệnh viện. Nhiều bệnh nhân cũng phản ánh là do chờ đợi, chen chúc mua thuốc lâu nên “cò” đề nghị dẫn dắt ra ngoài mua thuốc vừa nhanh vừa rẻ. “Việc “cò” mua thuốc là có. Như vậy thì rất nguy hiểm vì người bệnh có thể mua thuốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng và giá cao hơn thuốc của bệnh viện”, bác sĩ Trần Thanh Mỹ thừa nhận.

Còn TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, xung quanh bệnh viện có rất nhiều nhà thuốc. Do đó, việc nhà thuốc trong bệnh viện không đáp ứng được thì người bệnh dễ bị lôi kéo ra ngoài mua. “Giá thuốc trong bệnh viện qua đấu thầu và thặng dư tối đa chỉ 15%, đảm bảo chất lượng. Nhưng người bệnh ra ngoài mua thuốc thì ai đảm bảo?”, TS Phú lo ngại.

Vì sao dẫn đến tình trạng trên? Vướng mắc ở đâu và vì sao vẫn chưa được tháo gỡ? Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và cũng là vướng mắc bởi quy định “tréo ngoe” của Thông tư 15/2011/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành tháng 4-2011. Theo đó, mỗi bệnh viện chỉ có một nhà thuốc do một dược sĩ đứng tên. Và muốn mở thêm nhà thuốc phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật Dược và Nghị định 79/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dược.

Trong khi, từ trước đến nay tất cả các điểm bán thuốc của bệnh viện chỉ do một dược sĩ đứng tên và không cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, theo phản ánh của nhiều lãnh đạo bệnh viện thì bệnh viện là cơ quan hành chính sự nghiệp nên không được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Thông tư 15, trường hợp bệnh viện không thể có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sở Y tế báo cáo UBND nhân dân tỉnh, thành phố để được chỉ đạo xem xét, tạo điều kiện có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Tuy nhiên, đến nay chưa rõ Sở Y tế TPHCM đã báo cáo, kiến nghị? Chỉ biết nhiều bệnh viện đã trình hồ sơ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và hàng ngàn người bệnh vẫn phải giẫm đạp, chen chúc khiến “cò” lộng hành tại các nhà thuốc bệnh viện mỗi ngày...

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên