Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng tỉnh: Hiệu quả điều trị bệnh từ phương pháp thủy trị liệu

Cập nhật: 07-06-2013 | 00:00:00

Thủy trị liệu (TTL) là phương pháp điều trị bệnh bằng nước đã được con người sử dụng từ rất lâu. Các phương pháp TTL có tác dụng tạo thuận lợi cho cử động khớp, làm giảm cường độ co cơ cần thiết, tốt cho người bị bệnh khớp mạn tính, những người bị bại hoặc yếu cơ do bệnh lý thần kinh, giúp phục hồi chức năng khớp, cơ và thần kinh. Tại Bình Dương, từ năm 1992, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (BV ĐD-PHCN) tỉnh đã áp dụng phương pháp này vào điều trị bệnh và mang lại những hiệu quả tốt…

 Theo cử nhân vật lý trị liệu (VLTL) Nguyễn Thị Khánh Trinh, Trưởng phòng Điều dưỡng, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng BV ĐD-PHCN tỉnh, các bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng TTL dễ đạt được những hiệu quả tối ưu mà trong các môi trường khác không đạt được.  

 Điều trị bệnh theo phương pháp thủy trị liệu tại BV ĐD-PHCN tỉnh

Hiện nay, phương pháp TTL có thể áp dụng vào việc chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau, như: viêm khớp, đau khớp, đau cơ, co thắt cơ, bong gân, tăng huyết áp, các chứng co thắt của cơ quan tiêu hóa và tiết niệu, viêm dây thần kinh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi do co thắt động mạch, đổ mồ hôi chân tay, chấn thương, kích thích biến dưỡng, chứng béo phì giảm hoạt động chức năng, các bệnh lý rối loạn vận động… Trong thời gian qua, BV ĐD-PHCN tỉnh áp dụng phương pháp này vào việc điều trị những bệnh tập trung ở chi trên và chi dưới (bồn thủy trị liệu tứ chi), như: đau khớp; viêm khớp mãn tính; đau dây thần kinh mãn tính; viêm đa rễ, đa dây thần kinh; đau cơ, co thắt cơ; đau do chấn thương; rối loạn tuần hoàn ngoại vi do co thắt động mạch, đổ mồ hôi chân tay…

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân điều trị theo phương pháp này có rất nhiều điều lợi. “Một đứa bé bị yếu 2 chân cần phải tập luyện tích cực ít nhất 1 giờ/ngày, nếu phải ngồi nghiêm chỉnh trong phòng tập và làm theo hướng dẫn của người điều trị, thì nhiều lắm chỉ được 15 phút. Như vậy, không thể nào đạt được hiệu quả như ta mong muốn. Trong lúc đó, nếu cho đứa bé này vào hồ nước trị liệu thì hiệu quả sẽ khác hoàn toàn. Do nội dung điều trị bệnh theo phương pháp TTL cho trẻ thường được lồng trong nội dung sinh hoạt giải trí, vui chơi, vì thế bé trở nên sinh động hơn và thời gian tập luyện cũng nhờ đó mà kéo dài hơn, có thể lên đến 1 giờ. Như vậy, ta có thể dễ dàng đạt được mục đích đề ra… Còn đối với một bệnh nhân lớn tuổi bị viêm thấp khớp lâu năm, khi được chỉ định điều trị theo phương pháp TTL, với sự nâng đỡ của nước sẽ có tác dụng giảm đau ở các khớp chịu trọng lượng cơ thể như khớp hông, khớp gối, khớp cổ chân cùng với cảm giác vô trọng lực khiến người bệnh cử động dễ dàng hơn nên có tác dụng tâm lý lớn và gây thích thú cao trong quá trình tập luyện. Việc điều trị bệnh nhờ đó mà đạt được hiệu quả cao nhất”, cử nhân VLTL Khánh Trinh dẫn chứng.

TTL là phương pháp trị liệu sử dụng nước để tác động lên mặt ngoài cơ thể. Nước là một môi trường thuận tiện để trao đổi nhiệt lượng với cơ thể, để tạo sức ép và sự kích thích cơ học trên mặt da và để thực hiện sự đề kháng hay trợ giúp đối với các cử động chủ động. TTL có nhiều phương pháp, như: ngâm nước toàn thân, ngâm nước từng phần, chườm nóng, chườm lạnh, tắm kết hợp với kích thích cơ học, tắm hơi nóng…

 

• HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=812
Quay lên trên