Bệnh dại: Không thể xem thường!

Cập nhật: 18-03-2010 | 00:00:00

Nhiều năm qua, bệnh dại luôn là vấn đề y tế quan trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế. Trước năm 1996, trung bình mỗi năm cả nước có trên dưới 500 người chết vì bệnh dại. Riêng trên địa bàn tỉnh, tình hình bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống được triển khai như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh.

- Xin ông cho biết tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

- Trong năm 2009, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp chó, mèo bị bệnh dại và không có người bị bệnh hay tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì số người đi tiêm phòng vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng bệnh dại rất lớn, trong năm đã có gần 2.340 lượt người tiêm phòng do bị chó, mèo cắn. Vì vậy bệnh dại ở Bình Dương cũng là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến tính mạng và tiền của người dân.

- Hiện nay, số lượng chó, mèo nuôi là nguồn lây bệnh dại chính được giám sát, tiêm phòng ra sao thưa ông?

- Theo thống kê, số lượng chó, mèo nuôi trong tỉnh khoảng 130.000 con. Hiện nay là thời điểm triển khai chiến dịch tiêm phòng ở chó, mèo. Chi cục Thú y tỉnh sẽ cung ứng vắc-xin xuống các trạm thú y cơ sở để tổ chức tiêm phòng. Các tổ tiêm phòng sẽ đến tiêm phòng tại nhà hoặc người nuôi có thể mang vật nuôi đến tiêm phòng ở cơ quan thú y gần nhất vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Hiện tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng khoảng 90%.

- Chủ vật nuôi có trách nhiệm gì?

- Chủ vật nuôi phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo định kỳ hàng năm. Các hộ gia đình chỉ được nuôi thả chó trong khuôn viên gia đình, không được thả rong. Khi đưa chó ra khỏi khuôn viên gia đình phải có dây xích, rọ mõm. Trường hợp vật nuôi ra khỏi khu vực quản lý của chủ nuôi gây tai nạn giao thông, cắn người, hoặc các tai nạn khác làm tổn hại đến sức khỏe, tài sản người khác hay phóng uế làm mất vệ sinh công cộng, nơi ở người khác thì tùy điều kiện cụ thể, chủ nuôi phải chịu xử lý vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về các hậu quả do vật nuôi của mình gây ra, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Theo ông, điều gì là quan trọng nhất để phòng chống bệnh dại hiệu quả?

- Giám sát, kiểm tra kiểm soát dịch tễ là trách nhiệm của ngành thú y. Tuy nhiên để chủ động phòng chống bệnh dại thì chủ yếu vẫn do ý thức của người dân. Thời gian qua, các trường hợp tử vong do bệnh dại trong cả nước ngoài nguyên nhân chó nuôi không được tiêm phòng thì còn do sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc xử lý vết thương; khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm phòng hoặc tiêm muộn, tiêm không đầy đủ.

- Như vậy, khi bị chó, mèo hoặc các động vật mẫn nhiễm khác cào, cắn người dân phải làm gì?

- Khi bị chó, mèo cắn trước tiên phải nặn máu nơi vết thương, rửa vết thương bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng. Giữ vật nuôi đã cắn người lại để theo dõi và phải đi tiêm ngừa kịp thời. Không nên tự ý đi “lấy nọc” ở các thầy “lang vườn” vì không những không hiệu quả mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

- Xin cám ơn ông!

ĐỨC LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên