Bệnh lây từ tay bác sĩ

Cập nhật: 23-07-2012 | 00:00:00

Theo một khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, gần 40% nhân viên y tế không rửa tay khi chăm sóc người bệnh.

 Rửa tay trước khi khám bệnh sẽ hạn chế khả năng lây chéo cho bệnh nhân  BS ít rửa tay nhất...

Đây là khảo sát được tiến hành tại 15 khoa lâm sàng của BV Nhi Đồng 1 từ tháng 3 đến tháng 5.2012 với gần 1.000 trường hợp được quan sát. Theo đó, chỉ có 62% nhân viên y tế thường xuyên rửa tay, trong đó, tỉ lệ rửa tay đúng kỹ thuật chỉ đạt 56%. Trên 70% kỹ thuật viên, bảo mẫu, hộ lý rửa tay thường xuyên; trong khi BS, sinh viên thực tập lại tuân thủ vệ sinh kém (tỉ lệ rửa tay chỉ chiếm 41-43%).

Chứng kiến tại khoa Khám bệnh của BV Nhi Đồng 2 vào sáng 4.7 cho thấy, một BS nữ trực tiếp khám cho gần 20 trẻ trong vòng hơn 30 phút với các triệu chứng mũi lòng thòng, ho sặc sụa, ho khan, nôn ói... nhưng không thấy đeo găng tay và thậm chí không tiến hành rửa tay hoặc lau tay bằng thuốc sát khuẩn.

Không chỉ tại các phòng khám nhi, tình trạng một người khám cho nhiều bệnh nhân cũng xuất hiện tương tự tại BV 115, Ung bướu... Một số BS không mang găng tay, không đeo khẩu trang đúng quy định khi thăm khám cho bệnh nhân.

Lý giải cho việc không đeo găng tay hoặc rửa tay không đúng kỹ thuật, nhiều BS cho rằng do quá nhiều bệnh nhân phải chờ nên phải khám liên tục. Nếu rửa tay thường xuyên sẽ mất thời gian và không phải phòng khám nào cũng trang bị vòi nước rửa... Trong khi đó, theo BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - ngành y tế đã quy định, tất cả nhân viên y tế sau mỗi lần thực hiện công việc chuyên môn như khám, chích thuốc, truyền dịch... đều phải rửa tay. Bàn tay nhân viên y tế là nơi chứa và truyền vi khuẩn nhanh nhất.

Năm 2008, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thực hiện khảo sát tại 19 BV, kết quả có gần 6% trong hơn 9.300 bệnh nhân nghiên cứu bị nhiễm khuẩn BV. Kiểm tra ngẫu nhiên 77 nhân viên y tế tại một BV thuộc loại lớn nhất của TPHCM, trung bình có 481.000 vi khuẩn/bàn tay hộ lý, có 275.000 vi khuẩn/bàn tay của BS và nhóm nhân viên điều dưỡng cũng có gần 127.000 vi khuẩn/bàn tay. Theo công bố này, các khâu khám chữa bệnh có nguy cơ dẫn đến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện là mở khí quản, thở máy, đặt nội khí quản, thở ôxy, đặt ống thông tiểu... Đặc biệt, các ca phẫu thuật có thời gian dài trên 3 giờ hay phẫu thuật cấp cứu cũng có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm khuẩn vết mổ.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng chéo

TS Lê Thị Anh Thư - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng Chống nhiễm khuẩn TPHCM – cho rằng, bàn tay của các nhân viên y tế thường nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và là phương tiện trung gian làm lan truyền nhiễm khuẩn BV. Cụ thể, một số chủng vi khuẩn thường gặp trên bàn tay nhân viên y tế là Acinetobacter baumanii, Klebsiella pneumonia, Staphylococcus aureus, gây các bệnh viêm phổi, viêm tiết niệu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết mổ...

Nguy cơ lây nhiễm tăng lên gấp nhiều lần khi các nhân viên này tiếp xúc với các chất bài tiết, dịch cơ thể hoặc máu của người bệnh. Thói quen rửa tay đúng kỹ thuật sẽ giúp phòng ngừa lan truyền mầm bệnh giữa các bệnh nhân đến nhân viên y tế và môi trường trong BV. Hiệu quả của việc rửa tay cũng làm giảm nhiễm khuẩn BV, giảm tử vong và chi phí y tế.

Thống kê mới nhất của ngành y tế cho thấy, trong số 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện hằng năm tại VN thì có khoảng 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn BV (chưa kể số nhân viên y tế bị phơi nhiễm). Theo Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn BV, bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn BV thường kéo dài thời gian nằm viện từ 9 ngày đến 24 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 triệu đến hơn 32 triệu đồng.

Một khi đã nhiễm khuẩn BV, người bệnh sẽ có nhiều biến chứng và có thể mắc thêm nhiều bệnh khác, phải dùng nhiều loại kháng sinh sẽ dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, tăng chi phí điều trị, trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến tử vong...

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên