Bác sĩ (BS) Trương Thanh Sơn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khoa Tim mạch được thành lập từ năm 2001 với nhân sự hiện có là 11 bác sĩ. Khoa được bố trí 100 giường bệnh, có 2 phòng khám tim mạch, cấp cứu và điều trị nội trú. Nếu như trước đây, chủ yếu khám bệnh về tim mạch thông thường thì 2 năm trở lại đây, khoa Tim mạch đã áp dụng phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành khá thành công. Về khám tim mạch, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 200 BN đến khám và điều trị tại phòng khám khoa Tim mạch. BS Đăng đang dặn dò, tư vấn cho BN trước và sau khi đặt Stent
Riêng phương pháp can thiệp mạch vành, có 2 BS thực hiện chính là BS Lê Lâm Quốc Đăng và BS Nguyễn Chí Tính. Đây là những nhân sự “chủ lực” của khoa về KCB bằng phương pháp này và được cử đi học thêm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM). BS Tính cho biết, anh học tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM từ tháng 12-2011 đến tháng 12-2012 thì về áp dụng phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành trong KCB cho BN. BS Lê Lâm Quốc Đăng cũng theo học nhiều năm về kỹ thuật này tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau hơn một năm triển khai tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chụp mạch vành được hơn 500 ca và đặt Stent cho hơn 40 ca. Rất nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp khác được cấp cứu kịp thời mà nếu chuyển đi xa, nguy cơ tử vong trên đường là rất cao.
Theo BS Tính, ê-kíp mạch vành của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cấp cứu nhiều ca kịp thời mà nếu chuyển viện có thể sẽ không kịp, cơ tim bị tổn thương khó phục hồi. Nguyên tắc đầu tiên trong can thiệp mạch vành cấp cứu là nhanh, kịp thời và BN phải đến bệnh viện vào “giờ vàng” trong vòng 12 tiếng kể từ khi khởi phát cơn đau ngực, bệnh nhân tới càng sớm càng tốt vì khi đó tế bào của tim chết ít hơn, tiên lượng cũng sẽ tốt hơn.
Về việc đặt Stent, BS sẽ cài ống thông can thiệp (guiding catheter) vào lỗ động mạch vành có chỗ bị tắc hoặc hẹp nặng. Dùng dây dẫn (guidewire) đưa qua chỗ mạch vành bị tắc hoặc hẹp nặng. Tiếp đó dùng bóng (ballon) nong chỗ mạch vành bị hẹp. Cuối cùng là dùng giá đỡ (stent) đặt vào chỗ bị hẹp. Chi phí cho mỗi ca khoảng 70 triệu đồng nếu không có BHYT và từ 18 - 20 triệu đồng nếu có BHYT.
Tại khu cấp cứu của khoa Tim mạch, chúng tôi gặp BN Đặng Văn Thanh Toàn, sinh năm 1956 ở Tân Định, Tân Uyên. Ông cho biết bị tức ngực, khó thở từ 23 giờ ngày 26-11 vừa qua. Ông được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào giờ thứ 7 từ khi khởi phát đau ngực. Ông đã được can thiệp mạch vành cấp cứu và được đặt 1 Stent phủ thuốc vào đoạn giữa động mạch liên thất trước (LADII). Sau vài ngày được điều trị nội khoa tiếp tục, ông Toàn thấy sức khỏe ổn định, tiến triển tốt và rất yên tâm khi điều trị tại đây.
Bệnh động mạch vành ngày càng tăng, nguy cơ tử vong cao. Nếu chuyển viện không kịp “giờ vàng”, tỷ lệ tử vong lên đến gần 20%. Số người mắc bệnh ngày càng trẻ về độ tuổi. Có BN sinh năm 1983 cũng mắc bệnh này. Bệnh động mạch vành là hẹp hoặc tắc lòng động mạch gây thiếu máu nuôi của cơ tim. Bệnh có 2 thể cấp và mạn tính. 2 thể bệnh trên có cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng và dư hậu khác nhau nhưng có thể nói cùng nền tảng gây nên xơ vữa động mạch vành. Nhóm nguy cơ do tuổi cao, gia đình có người bị bệnh, chủng tộc và các yếu tố khác như hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, stress… Để phòng tránh bệnh này cần tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, ăn ít cholesterol, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với BN tim mạch cần tuân thủ phác đồ điều trị của BS chuyên khoa tim mạch.
(BS Lê Lâm Quốc Đăng)
Một ca khác là BN Võ Thanh Vương, sinh năm 1975, huyện Tân Uyên nếu không can thiệp kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất cao. Ông Vương nhập viện ngày 11- 11-2013, vào giờ thứ 6 của cơn đau ngực, tình trạng lúc nhập viện là BN đau ngực, mệt, khó thở nhiều. Được chẩn đoán nhồi máu cơ tim giờ thứ 6, BN được dùng thuốc trợ tim và được chuyển qua phòng DSA. Kết quả chụp mạch vành: Tắc đoạn giữa động mạch vành liên thất trước. BN được đặt can thiệp 1 Stent phủ thuốc vào động mạch liên thất trước. Kết quả BN hồi phục rất tốt và sau một thời gian tiếp tục điều trị nội khoa, BN đã ổn định và xuất viện.
BS Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi làm việc tại khoa Tim mạch rất thuận lợi nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ từ lãnh đạo bệnh viện. Có những ca cấp cứu ngay trong đêm khuya, BS Văn Quang Tân, Giám đốc bệnh viện trực tiếp đến để động viên tinh thần làm việc của anh em. Khó khăn là hiện vẫn thiếu từ 2 - 4 BS chuyên ngành tim mạch can thiệp mới đủ nhân sự để phân thành 2 kíp trực thường xuyên”.
Nói về khoa Tim mạch với phương pháp can thiệp mạch vành thành công, BS Văn Quang Tân cho biết ông rất vui khi đồng nghiệp của mình có tiến bộ, phát triển trong nghề nghiệp, cứu giúp BN kịp thời trong “giờ vàng”. Ông cũng mong muốn người dân Bình Dương biết được thông tin này để đến KCB về tim mạch, tiết kiệm chi phí đi lại, viện phí... BS Tân cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM về việc phát triển khoa Tim mạch.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; PGS-TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy; PGS-TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược cùng các bác sĩ chuyên khoa tim mạch của 2 bệnh viện trên rất nhiệt tình trong phối kết hợp đào tạo và KCB. PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, PGS-TS Trương Quang Bình cũng hứa sẽ giúp đỡ những vấn đề tỉnh Bình Dương yêu cầu, cam kết hỗ trợ tích cực về khám, điều trị bệnh tim mạch, giúp y tế Bình Dương phát triển về phẫu thuật tim. Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tiếp tục cử bác sĩ đi học chuyên sâu về tim mạch để công tác KCB của khoa tim mạch thuận lợi, thành công hơn nữa”…
QUỲNH NHƯ