Biến đam mê thành hiệu quả kinh tế

Cập nhật: 20-04-2013 | 00:00:00
Mê loài hoa phong lan từ nhỏ, chị Nguyễn Hồng Diệu (36 tuổi, giáo viên trường THPT Bến Cát, ngụ ấp 1B, xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát) luôn tìm cách học hỏi về kỹ năng trồng, chăm sóc loài hoa này. Để rồi năm 2008, chị đột ngột ngỏ lời xin bố mẹ chặt bỏ bớt cao su để ươm những “nhánh lan rừng”.

Đam mê loài hoa hoang dã

Từ những năm 2005-2006, chị Diệu đã bắt đầu để ý đến loài hoa phong lan. Những ngày này, chị rong ruổi khắp miền Đông Nam bộ tìm cho ra các chủng loài phong lan quý hiếm về trồng làm cảnh. Niềm vui đến với người giáo viên trẻ khi những chậu lan đầu tiên ra hoa, những bông hoa thơm ngát mùi hương rừng núi.    Chị Diệu cùng cô con gái 6 tháng tuổi bên những chậu lan rộ hoa

Vài năm sau đó, chị có dịp ghé thăm một vài vườn lan ở TP.HCM, ý định kiếm tiền từ loài hoa hoang dã của núi rừng bắt đầu nhen nhóm trong đầu. Sau khi về nhà chia sẻ nỗi niềm cùng cha mẹ, chị Diệu khăn gói xuống TP.HCM đăng ký một lớp học về kỹ năng chăm sóc và bó các loài hoa, trong đó có phong lan. Thấy con gái chìm sâu vào thế giới phong lan, ông Nguyễn Văn Triều và bà Nguyễn Thị Mười khuyên can: “Hoa thì chỉ để chưng cho đẹp thôi chứ sao kiếm ra tiền mà con ham dữ vậy?”. “Lời khuyên của cha mẹ tuy cũng có cái lý, nhưng mình thấy rõ tiềm năng của loài hoa phong lan nên luôn vững tâm”, chị Diệu tâm sự. Sau một thời gian khuyên răn mà vẫn thấy con gái quyết tâm với nghiệp cây cảnh, ông bà Triều cũng xuôi lòng.

“ Theo các bác sĩ ở khoa Đông y học thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, loài hoa phong lan không chỉ là loài hoa đẹp mà nhiều chủng loài trong số đó còn có tác dụng làm thuốc rất tốt. Theo tư liệu y học cổ truyền, hoa phong lan thường được dùng chữa các chứng bệnh về miệng, họng, mờ mắt, đau xương khớp, sốt nóng. Đặc biệt hơn, loài lan phi điệp còn có khả năng chữa trị bệnh suy nhược cơ thể, yếu sinh lý ở nam giới...”

Kết thúc khóa học kỹ năng, nghiệp vụ trồng và chăm sóc cây cảnh, chị Diệu trở về nhà với một đơn đặt hàng dày cộm các giống loài lan rừng, lan lai. Xét thấy diện tích đất trống của nhà không đủ cho việc trồng lan, chị Diệu mạnh dạn đề nghị bố mẹ chặt bỏ bớt cao su để lấy thêm quỹ đất. Ngày gia đình ông Triều mang cưa ra chặt bỏ cao su, nhiều người thân, hàng xóm đến khuyên can. Trong lối suy nghĩ của những người dân sống chung với cao su, việc chặt bỏ loài cây cho “vàng trắng” này là một nước cờ sai sách trên con đường làm kinh tế. “Mặc kệ, mình có làm thì mọi người mới biết hiệu quả kinh tế của loài lan”, chị Diệu quả quyết.

Quả như người xưa nói “vạn sự khởi đầu nan”, những ngày mới đưa lan về, cả gia đình chị Diệu phải vật lộn với bản tính hoang dã của loài hoa rừng. Sau 3 tháng chăm bón, những cành phong lan đầu tiên càng trở nên còm cõi. Điều đáng thất vọng hơn cả là cả một thời gian dài sau đó, vẫn không có chậu nào chịu nở bông.

“Sống chết” cùng loài hoa núi rừng!

Mặc cho ngày đầu gian nan, chị Diệu luôn thuyết phục bố mẹ tìm ra giải pháp để khắc phục cho những sai sót ban đầu. Được con gái động viên, ông Triều và bà Mười tự tin hơn. Cả nhà lặn lội khắp nơi dò hỏi cách chăm sóc hoa phong lan hiệu quả nhất.

Sự hiểu biết về loài hoa dại núi rừng của cả gia đình chị Diệu ngày một sâu sắc hơn. Khi những chậu lan loài denro, mokara, vanda, cattleya, ngọc điểm, vũ nữ... bắt đầu xanh tươi và rộ nở những bông hoa đầu tiên cũng là lúc giọt nước mắt hạnh phúc của cô gái trẻ cũng bắt đầu lăn xuống. “Cảm giác nhìn những chậu lan do tự tay mình trồng nở bông lần đầu nó vui lắm”, chị Diệu tâm sự.

Năm 2009, hàng ngàn chậu lan được trồng trên diện tích 2.500m2 của gia đình nhà ông Triều bước đầu mang lại lợi nhuận. Những người mê lan khắp nơi trong tỉnh cũng quen dần với thương hiệu lan Hồng Diệu và kéo nhau đến mua về trồng. Nhận thấy thị trường lan đang thời nở rộ, chị Diệu lại khăn gói lên đường đi Bình Phước, Đà Lạt tìm và nhập các giống loài lan mới. “Lan lai của Thái thì dễ kiếm, nhưng muốn kiếm lan rừng thì phải đi vào vùng sâu vùng xa ở Bình Phước và Tây nguyên thì mới có”, chị Diệu cho biết.

Tính đến nay, thu nhập hàng tháng từ việc buôn bán hoa phong lan của gia đình chị Diệu đã cho thấy chỉ có những bước đi mạo hiểm mới mang lại hiệu quả đột phá cho kinh tế nông nghiệp. Những bước đi chập chững của cơ sở lan Hồng Diệu lắm lúc phải dừng lại vì liên tục gặp phải những khó khăn, điều tiếng, nhưng chưa bao giờ cô giáo trẻ này một lần có ý định từ bỏ.

Không chỉ dừng lại ở việc mang niềm đam mê loài hoa dại của núi rừng chia sẻ cho những người yêu hoa trong tỉnh, sắp tới, chị Diệu còn có ý định mở rộng khu trồng lan. Theo đó, chị Diệu dự định sẽ đưa cơ sở lan Hồng Diệu trở thành nét đặc sắc cây kiểng trên toàn vùng Đông Nam bộ. “Gia đình đang tính cắt thêm cao su để mở rộng vườn lan, hy vọng sự quyết tâm của cả nhà sẽ mang lại nét riêng cho mảnh đất từ lâu đã gắn liền với loài cây cho “vàng trắng”.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=494
Quay lên trên