Người ưa thích những vật nuôi lạ

Cập nhật: 09-04-2013 | 00:00:00
Có thể nói anh Mai Thế Hệ, ngụ tại ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo là người ưa thích những con vật nuôi lạ. Chính vì ưa thích mà anh Mai Thế Hệ đã nghiên cứu và thành công với nhiều loài vật nuôi lạ mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2009, khi gà sao đang là vật nuôi có giá trị cao, anh Mai Thế Hệ bắt tay nuôi gà sao. Chỉ sau 3 năm nuôi gà sao với số lượng không lớn, gia đình anh đã thu về cả trăm triệu đồng. Từ thành công với con gà sao, anh Hệ bắt đầu chuyển sang thử sức với  những con vật lạ khó nuôi hơn như kỳ đà, cheo...    Đàn kỳ đà của anh Hệ đang phát triển rất tốt

Từ các nguồn thông tin cóp nhặt, anh Hệ biết kỳ đà là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, cuối năm 2011 anh Hệ bắt tay làm chuồng trại nuôi kỳ đà. Sau khi xây dựng chuồng trại, anh Hệ lặn lội lên Tây nguyên tìm mua kỳ đà giống từ rừng mà người dân tại đây bắt được để đem về nuôi. Anh Hệ cho biết, con kỳ đà có khả năng chịu nắng nóng tốt, chịu lạnh kém nên rất phù hợp với điều kiện thời tiết của Bình Dương. Tham quan trại nuôi kỳ đà của anh Hệ, chúng tôi thấy chuồng trại nuôi kỳ đà rất đơn giản, mỗi chuồng rộng chừng 6m2 có thể nuôi tới 20 - 30 con kỳ đà. Bờ tường chuồng nuôi kỳ đà chỉ cần xây cao khoảng 1,2m tô láng hoặc bọc tôn nhằm tạo độ trơn, chống kỳ đà leo ra ngoài. Nền chuồng đổ bê-tông để chống kỳ đà đào lỗ và có hệ thống thoát nước để dễ tắm rửa cho kỳ đà. Có thể tạo vòi nước tự động, hoặc tạo máng cho kỳ đà uống nước và tắm. Thức ăn của kỳ đà rất dễ tìm. Món khoái khẩu nhất của kỳ đà là cóc, ếch, nhái, nội tạng của các con vật khác. Nếu cho kỳ đà ăn nhiều   cóc sẽ giúp cho thân mình kỳ đà thon gọn như kỳ đà rừng. Ngoài ra, kỳ đà ăn cóc còn giúp trị bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, thức ăn của kỳ đà phải tươi sống, nếu để ôi thiu kỳ đà sẽ bị trướng hơi, sình bụng dẫn đến tiêu chảy. Theo anh Hệ, kỳ đà có thể nhịn ăn 1 tuần vẫn sống, nhưng sẽ không tăng trọng. Để kỳ đà có thể đạt mức tăng trọng trung bình 1kg/năm, tốt nhất cứ 2 ngày cho kỳ đà ăn 1 lần. Kỳ đà trưởng thành có thể dài từ 2,5 - 3m và nặng trên 10kg.

Hiện tại, anh Hệ đang nuôi 9 con kỳ đà, trong đó có 2 con cái chuẩn bị đẻ. Kỳ đà nuôi khoảng 1 năm có thể sinh sản. Anh hệ bắt cặp cho kỳ đà với tỷ lệ 2 cái - 1 đực trong chuồng riêng để chúng dễ giao phối. Kỳ đà đực có gốc đuôi phồng to, lỗ huyệt lồi và có gờ, khi bóp vào gốc đuôi sẽ thấy gai giao cấu màu đỏ thẫm lồi ra ở lỗ huyệt. Kỳ đà cái có đuôi thon nhỏ, lỗ huyệt nhỏ lép, khi bóp vào gốc đuôi không có gai giao cấu lồi ra. Kỳ đà cái 1 năm có thể đẻ 2 lứa, với số lượng từ 15 - 17 trứng/ lứa. Tuy vậy, chỉ có khoảng 35% số trứng ấy có thể nở thành con. Trứng kỳ đà sau khi đẻ phải ấp riêng trong lu đất trộn cát có độ ẩm cao, có khoan lỗ cho thoáng khí. Anh Hệ cho biết, anh đã thu về hơn chục triệu đồng từ 30kg kỳ đà thịt vừa mới xuất bán. Kỳ đà thịt có giá bán từ 420.000 - 450.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy và đầu ra luôn rộng mở như hiện nay, anh Hệ khẳng định, nuôi kỳ đà là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài nuôi kỳ đà, anh Hệ cũng đang mày mò nuôi thử con cheo rừng. Thức ăn cho cheo rừng chủ yếu là rau, củ, quả nên rất dễ tìm. Bước đầu nuôi thử, anh thấy đàn cheo của gia đình thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và đang phát triển tốt. Trong thời gian tới anh Hệ còn dự tính nuôi cóc làm nguồn thức ăn cho kỳ đà. Anh Hệ chia sẻ, kỳ đà, cheo là những con vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, một vài bộ phận của kỳ đà còn là vị thuốc tốt, đầu ra của những vật nuôi này lại rộng, do vậy các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để nông dân có thể làm giàu từ các loài vật nuôi này.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1075
Quay lên trên