Trao gửi tình yêu thương vào một lưỡi dao cho con gái làm công nhân xưởng hạt điều, nào ngờ đời ông và đời con cũng được xây nên từ đó…
Lưỡi dao... yêu thương
Ở cái tuổi 64, ông Nguyễn Văn Mười (tổ 67, KP.7, P.Phú Lợi, TP.TDM) vẫn hàng ngày miệt mài cùng những công đoạn làm dao tách vỏ hạt điều. Ông kể rằng ông sinh ra trong một gia đình bần nông ở Long An, bước đời đưa ông đi nhiều vùng miền trong cả nước, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau trước khi cưới vợ, sinh con tại Thủ Dầu Một. Dù từng tích cóp mua được miếng đất nhỏ, xây ngôi nhà đơn sơ và có quãng thời gian thu gom phế liệu về bán kiếm sống nhưng ông vẫn khẳng định, nếu không có 20 năm gắn bó với nghề làm dao tách vỏ hạt điều, gia đình ông sẽ không tràn ngập tiếng cười như bây giờ.
Ông Nguyễn Văn Mười tạo dựng cuộc sống gia đình từ những lưỡi dao nhỏ bé
Đó là vào một dịp tình cờ, khi hai con gái lớn của ông Mười đi làm công nhân tách vỏ hạt điều cho một công ty tư nhân gần nhà. Thương hai con đi làm vất vả mà thu nhập không bao nhiêu, người cha dành cho các con những sự quan tâm yêu thương lớn nhất. Có lần, ông phát hiện lưỡi dao mà hai con được phân phát ở xưởng để tách vỏ hạt điều dở tệ! Lưỡi dao vừa cùn, vừa không tiện tay khiến cho năng suất làm việc không cao, sản phẩm làm ra ít nên thu nhập kém, lại vất vả. Thế là ngày đêm ông vắt óc nghĩ cách làm sao cho ra một con dao tách vỏ hạt điều tốt và hiệu quả hơn.
Với một ít kiến thức sẵn có về nghề rèn, sau 7 ngày mày mò ông đã làm ra được 2 con dao tách vỏ hạt điều đầu tiên. Lưỡi dao được làm từ thép đập dẹp rồi cắt bằng đe, búa. Ông lấy miểng chai bào nhẵn cán cho tròn và lấy “khâu” từ vỏ đạn đồng để tạo hình cho con dao nhỏ. Và điều bất ngờ đã đến khi năng suất làm việc của hai cô con gái tăng cao, sản phẩm làm ra nhiều hơn. Từ đó, các công nhân khác trong xưởng hạt điều liên tục đặt hàng làm dao. Mỗi con dao khi ấy ông bán được 5.000 đồng, mỗi ngày một mình ông làm độ 5 - 7 con dao như thế, ngang bằng với số tiền lương mỗi tháng của công nhân tách vỏ hạt điều.
Con dao của ông Mười quả thực là một cuộc “cách mạng” cho nghề bóc tách vỏ hạt điều, cái nghề làm thêm đem lại thu nhập cho không ít lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Chính vì con dao vừa bén, vừa gọn gàng giúp người làm nâng cao khối lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập. Chính vì thế, con dao ông làm ra bỗng trở thành món hàng quý giá nhiều người tìm mua. Vậy là, từ một lưỡi dao yêu thương, chỉ nhằm giúp các con hiệu quả hơn trong công việc, ông đã phát triển thành nghề làm dao tách vỏ hạt điều khá độc đáo, nuôi sống cả gia đình suốt 20 năm dài.
Hạnh phúc những “đời dao”
Tôi đến nhà ông Mười theo lời hướng dẫn của một vị giám đốc công ty hạt điều lớn ở Bình Phước. Anh bảo: “Suốt những năm tháng công ty vật lộn với nhân công, nguyên vật liệu, thị trường… thì những lưỡi dao của anh Mười đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lao động, giúp công ty có nguồn hàng xuất khẩu ổn định hơn so với trước kia. Những lưỡi dao tách vỏ hạt điều anh ấy cải tiến rất hữu dụng, giúp ích cho hàng ngàn người”. Quả vậy, cho đến nay, sau 20 năm gắn bó với nghề làm dao, dao của ông đã đi khắp các tỉnh miền Đông, về miền Tây và vươn xa tận các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Vào thời điểm nghề này cực thịnh, độ khoảng năm 2005- 2006, mỗi ngày gia đình ông xuất xưởng 300 con dao, trừ hết các chi phí đầu vào, mỗi tháng gia đình có 6 nhân công làm việc của ông thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Lưỡi dao của ông Mười đem niềm vui đến cho nhiều người lao động
“Có thời điểm dao quá đắt hàng, xe từ các tỉnh nườm nượp về đợi dao làm xong cái nào là lấy cái đó, chúng tôi làm ngày làm đêm vẫn không kịp đơn đặt hàng”, ông Mười nhớ lại thời cực thịnh của nghề làm dao gia đình. Nghề dạy nghề, từ những chiếc dao làm bằng các công cụ thô sơ, giờ thì nhà ông đã có đủ máy móc và các công cụ hỗ trợ như máy dập, máy cắt, máy tiện, máy mài… Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, các con gái của ông bỏ nghề theo phụ cha làm dao, rồi sau này ba anh con rể cũng chọn cái nghề “trên trời rơi xuống” của cha. Giờ thì tất cả các thành viên trong gia đình ông từ vợ chồng con cái đến cháu đều tham gia làm dao. Đàn ông làm những việc nặng như cắt, dập, mài… trong khi phụ nữ và các cháu nhỏ có thể cắt “khâu”, vô lưỡi, đánh bóng.
Hạnh phúc ở chỗ, cả gia đình ông đều quây quần bên cái nghề nuôi sống, tạo dựng hạnh phúc cho cả nhà trong suốt thời gian qua. Người con rể đầu tiên làm thợ hồ, sau khi về với nhà vợ đã bỏ cuộc đời lang bạt kiên nhẫn học nghề cha vợ, rồi đến người rể thứ hai cũng bỏ nghề lái xe cùng làm dao. Ngay cả con rể út, vốn là thợ tiện cũng bỏ nghề, mở cơ sở làm dao riêng. Ông Mười cười hạnh phúc: “Khi làm dao cho các con đi làm công nhân, tui chỉ nghĩ sẽ giúp chúng lao động đỡ cực nhọc hơn. Nào ngờ giờ đây đã là cái nghề cho cả gia đình cùng làm. Cưới vợ, gả chồng, xây nhà cửa cho các con cũng đều từ nguồn thu này mà ra. Thậm chí, giờ tui có thêm 5 đứa cháu nữa cũng đều lớn lên từ tiền của những lưỡi dao bóc tách vỏ hạt điều”.
Cũng theo ông Mười, những năm gần đây có khá nhiều người cũng làm dao giống gia đình ông và tung ra thị trường nhưng độ bén, bền, đẹp không thể nào sánh được các sản phẩm của ông. Chính vì thế, đơn đặt hàng có giảm đi chút ít nhưng nguồn hàng vẫn bảo đảm và gia đình ông vẫn sống được với nghề này. Thậm chí, đã có nơi phát minh ra máy bóc vỏ hạt điều nhưng con dao gắn liền với nghề làm thêm của những lao động nhàn rỗi là không thể thay thế được, nên nhu cầu của thị trường là rất lớn. Ông cho hay, dù sau này thị trường có sụt giảm hay nghề không còn đem lại nhiều tiền bạc đi chăng nữa thì ông vẫn giữ nghề, vẫn làm những con dao tinh xảo, mang lại niềm vui cho nhiều người nhận hạt điều về bóc tách tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
20 năm qua ông xây đời từ những lưỡi dao và giúp hàng ngàn đôi tay tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập gia đình. 20 năm đã qua rồi, không ít nụ cười của người cầm dao nở ra khi nghĩ về người làm dao Nguyễn Văn Mười tài hoa...
LÝ KHÁNH VINH