Là một nông dân thuần túy với nghề nuôi heo, nhưng nhận ra nhu cầu thị trường cần cung cấp chim bồ câu, anh Trần Minh Dung (khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) quyết định đầu tư vào loại vật nuôi này. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tại anh đang là ông chủ một trang trại nuôi bồ câu khá lớn, cung cấp cho nhiều nhà hàng từ Bình Dương đến TP.HCM.
Hiện tại anh Dung đã là chủ một trang trại bồ câu lớn chuyên cung cấp cho các nhà hàng
Gian nan khởi nghiệp
Một thời gian dài, vợ chồng anh tìm đủ mọi cách để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trải qua nhiều mô hình chăn nuôi nhưng không thành công, cuối cùng anh gặp được một người bạn nuôi chim bồ câu và nhận thấy mô hình này khá hay lại thu hồi vốn nhanh. Kể từ lần đó, ước mơ trở thành ông chủ một trang trại nuôi bồ câu đã trở thành động lực thúc đẩy anh bắt tay thực hiện.
Chấp nhận khó khăn, vay mượn được một số vốn nho nhỏ để đầu tư nuôi bồ câu. Thời gian đầu không có kinh nghiệm, lợi nhuận đâu chẳng thấy mà chỉ thấy số vốn vay mượn được đã “đội nón” ra đi. Khó khăn là vậy, nhưng với lòng quyết tâm nên không thể bỏ cuộc. Anh quyết định tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật chăm sóc. Bồ câu sẻ nuôi không đạt chất lượng lại ăn nhiều, thấy không có lợi nhuận anh chuyển sang nuôi bồ câu TiTan của Thái. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi bồ câu, anh nói: “Bồ câu rất dễ nuôi, cách làm chuồng cũng đơn giản, chỉ cần lấy các thanh sắt nhỏ, sau đó làm thành phên ghép lại. Điều quan trọng là chuồng nuôi phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh ồn ào. Nên chia chuồng thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim: chiều cao 40cm, chiều sâu 40cm, chiều rộng 50cm. Mỗi ô chuồng cần 2 ổ đẻ trứng và ấp trứng đặt ở trên, một ổ nuôi con đặt ở dưới. Phía trước ô khoét lỗ to bằng miệng bát cơm để chim có thể ra vào. Máng ăn và máng uống cho chim nên dùng bằng gỗ hoặc chất dẻo, không nên làm bằng kim loại để bảo đảm vệ sinh”.
Thành công
Với đầy đủ kỹ thuật và kinh nghiệm, mùa thu hoạch thứ hai mang lại cho gia đình anh lợi nhuận khá lớn. Anh tiếp tục đầu tư thêm vào bồ câu Pháp. Với những giống bồ câu mới này, anh cho biết: “Rất thích hợp với khí hậu Nam bộ, chỉ cần vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống thật sạch là được. Thức ăn chủ yếu của bồ câu là cám và bắp. Lâu lâu cũng cần cho bồ câu ăn vitamin C, men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng”.
Hiện tại với hơn 3.000 cặp chim bồ câu, mỗi tháng mang về cho gia đình anh lợi nhuận khoảng 70 - 80 triệu đồng. “Hiện nay các nhà hàng yêu cầu cung cấp bồ câu ngày càng nhiều, giá mỗi loại bồ câu bán ra cũng khá cao (bồ câu TiTan khoảng 50.000 đồng/con, bồ câu Pháp có giá 80.000 đồng/ con), nhu cầu của thị trường khá lớn nên tôi đang khuyến khích, động viên bà con nông dân nuôi bồ câu để phát triển kinh tế gia đình. Với những gia đình có nhu cầu mua bồ câu với số lượng nhiều về nuôi, tôi sẽ cho nhân viên đến hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc trong vòng một tháng”, đó là những chia sẻ hết sức chân thành của anh Dung với chúng tôi. Không chỉ hỗ trợ cho bà con nông dân trong vùng, với những anh em công nhân làm việc tại trang trại, anh hướng dẫn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi bồ câu để có thể thành lập trang trại riêng khi đủ điều kiện.
YÊN ĐỊNH