Cẩn thận với hạ huyết áp tư thế ở người cao tuổi

Cập nhật: 03-12-2010 | 00:00:00

Thường chúng ta hay nghĩ về bệnh cao huyết áp (HA) bởi bệnh khá phổ biến, nhất là người cao tuổi (NCT). Ít ai nghe nói hoặc hiểu biết về HA thấp, hạ huyết áp tư thế (HHATT), đặc biệt là HHATT ở NCT. Trong khi đó, HHATT rất phổ biến. Ở người trẻ, khi thay đổi tư thế từ nằm hay ngồi sang đứng thường bị xây xẩm thoáng qua, cơ thể tự điều chỉnh nên sinh hoạt, làm việc bình thường ngay sau đó. Nhưng ở NCT, cảm giác này kéo dài, có thể gây khó chịu và nguy hại tới cơ thể, thậm chí tử vong.

 

Vận động vừa sức, đúng mức là một biện pháp quan trọng để ổn định HA

Bác sĩ Văn Thành Hoàng Phượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo cho biết, HHATT ở NCT do sự rối loạn về thích nghi của huyết áp (HA) khi thay đổi tư thế, từ nằm chuyển đột ngột sang đứng. Cụ thể, HA thay đổi như sau: HA tâm thu thấp xuống 30 mmHg; HA tâm trương xuống 20 mmHg ngay từ phút thứ nhất sau khi đứng. Sự giảm thấp các trị số huyết áp này kéo dài > 5 phút. Khi đó, sẽ gây cho người bệnh có những cảm giác khó chịu như: mệt mỏi, vô lực; hồi hộp trong ngực; khó thở; rối loạn cảm giác thần kinh - giác quan. Ở mắt thì có cảm giác bị sương mù che, ruồi bay; ở tai có cảm giác nghe tiếng lùng bùng, ù tai; hoặc có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, lảo đảo và có thể bị ngất. Trong đó, ngất là sự mất tri thức nhất thời, chỉ kéo dài vài giây nhưng có thể để lại những hậu quả tác hại lớn cho NCT do có thể bị té ngã, gãy xương, chấn thương sọ não... Khi bị những tai nạn này thì NCT có nguy cơ mất khả năng sống tự lập. Nếu nguyên nhân gây ngất ở NCT có bệnh tim mạch sẵn có, dễ dẫn tới nguy cơ đột tử.

Một nguyên nhân thường gặp HHATT ở NCT là HA xuống thấp và có thể gây ngất sau bữa ăn. Nếu xảy ra ở một môi trường hẻo lánh, không có cơ sở cấp cứu gần đó, hoặc nếu tự lái xe về sau khi ăn thì có nhiều nguy cơ bị tai nạn. Còn những nguyên nhân HHATT thứ phát cần biết để phát hiện và xử trí kịp thời là: rối loạn tiêu hóa gây đi lỏng, nôn mửa; sốt, nhiệt độ cao; ngâm mình trong bể nước nóng 40 độ C trong 20 phút.

NCT cần có ý thức cảnh giác cao về HHATT do dùng thuốc không đúng theo chỉ định của thầy thuốc như: thuốc lợi niệu, thuốc hạ áp, thuốc hướng thần kinh (chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh Parkinson...) hoặc thuốc giảm đau thường hay sử dụng là Analgine, Novalgine rất nhạy cảm với NCT. Ở Việt Nam, đã có trường hợp chỉ sử dụng 0,5g Analgine tiêm bắp thịt mà đã gây tụt HA sau khi đổ mồ hôi như tắm, có những trường hợp không cứu vãn được dẫn đến tử vong, vì vậy rất thận trọng khi dùng thuốc này.

HHATT ở NCT cũng hay gặp ở những người có bệnh tiểu đường, lạm dụng rượu kéo dài, bệnh Parkinson, giãn tĩnh mạch chi dưới, thiểu năng tuyến cận giáp, thiểu năng tuyến giáp, u tuyến thượng thận, bệnh Addison. Ngoài ra, có thể gặp do các nguyên nhân khác như những bệnh gây tổn thương hệ thống thần kinh: giang mai, rỗng ống tủy, hội chứng Shy-Drager. Trong một số trường hợp HHATT không tìm được nguyên nhân.

Bác sĩ Phượng cho biết, HHATT không có phương pháp điều trị dự phòng hữu hiệu nhưng có một số lời khuyên cho những người đã có cơn HHATT, đó là thay đổi lối sống khi bước vào thời kỳ chuyển tiếp (> 50 tuổi). Duy trì vận động thể lực hợp với sức mình, tránh thiếu vận động. Vận động vừa sức, đúng mức là một biện pháp quan trọng để ổn định HA. Chú ý những thời điểm thường xảy ra HHATT cần đề phòng: buổi sáng mới ngủ dậy, ban đêm khi thức giấc, khi đi đại tiện - tiểu tiện, ban ngày cũng như ban đêm sau khi ăn no.

Sau một thời gian nằm, khi chuyển sang tư thế đứng, không nên đứng dậy đột ngột, mà nên từ từ ngồi dậy, bỏ chân thỏng xuống phía dưới giường, nếu cảm thấy yên ổn thì từ từ đứng dậy, nếu cảm thấy khó chịu (buồn nôn, hoa mắt...) nên ngồi xuống hoặc nằm lại, báo cho người ở gần biết để hỗ trợ. Khi ngủ nên nằm đầu cao lên. Nếu chân giãn tĩnh mạch nhiều thì nên đi vớ đàn hồi. Tránh đi bộ khi nắng nóng, uống nước đều đặn. Tránh thay đổi tư thế đột ngột: khi nhặt một vật dưới đất, không cúi người xuống lấy mà nên ngồi xổm. Hạn chế uống rượu. Nếu phải đứng im trong một thời gian dài, cần cử động các ngón chân và co cơ bắp chân. Bệnh nhân nên ăn mặn (trường hợp không bị bệnh cao HA). Đối với những trường hợp hạ HA sau bữa ăn thì nên tránh ăn quá thịnh soạn và giàu chất đường.

HHATT là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống, giúp cho người lớn tuổi biết sức mình, có ý thức chăm lo cho chất lượng cuộc sống bản thân mình và phòng bệnh, tránh tai biến khi bản thân có bệnh HHATT.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên