Chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 26-04-2010 | 00:00:00

So với năm 2008, được xem là năm dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh thì năm 2009 và 3 tháng đầu năm nay SXH đã được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, đặc điểm của SXH bùng phát mạnh vào những tháng mùa mưa, nên biện pháp hiệu quả nhất là chủ động phòng tránh...

Ngày 10-3-2010, bé T.H.A được đưa vào cấp cứu tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng SXH nặng (độ IV): bệnh nhân bị sốc nặng. Trong quá trình điều trị, biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng có rối loạn đông máu, suy hô hấp rất nguy kịch. Các bác sĩ đã đo áp lực tĩnh mạch trung ương và hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục qua mũi. Do bé bị rối loạn đông máu nên phải truyền cao phân tử, truyền huyết tương tươi đông lạnh. Sau 1 tuần được các y bác sĩ điều trị tận tình, tình trạng sức khỏe bé A. đã dần bình phục và xuất viện trong niềm vui của gia đình và tập thể Phòng Cấp cứu khoa Nhi.

Bác sĩ Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Trần Thị Minh Nguyệt cho biết những ca SXH nhập viện nặng độ III, độ IV thường là do người nhà chủ quan, họ không nghĩ con mình bị SXH và tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ uống. Khi đưa đến bệnh viện trễ sẽ rất khó khăn trong việc điều trị. Bệnh SXH nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Bệnh SXH xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng trẻ em vẫn là đối tượng bị SXH tấn công nhiều nhất. Theo thống kê, trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã mắc bệnh SXH. Bác sĩ Nguyệt khuyên các bậc phụ huynh phải lưu ý các biểu hiện sau đây của bệnh SXH để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời: khi thấy trẻ bị sốt 2 ngày liên tục, dùng thuốc hạ sốt nhưng bệnh không hết thì nên nghĩ đến bệnh SXH. Khi bệnh diễn biến nặng còn có các biểu hiện sau: trẻ sốt cao liên tục 2 ngày trở lên kèm theo chảy máu cam, chảy máu chân răng, trẻ mệt, lờ đờ, đau bụng, ói nhiều, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh. Các bậc phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh trường hợp tự điều trị ở nhà.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2008, 2009 đều có ca tử vong do SXH. Dịch SXH năm 2008 có đến 13 ca tử vong. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết năm 2009 và 3 tháng đầu năm nay tình hình SXH đã giảm đáng kể, đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bệnh

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện cho muỗi, trong đó có muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Để phòng bệnh, mọi người chỉ cần thực hiện các biện pháp đơn giản như: dọn dẹp các khu vực, các vật dụng đọng nước để diệt lăng quăng.

Đặc điểm của muỗi SXH là hoạt động vào ban ngày nên việc phòng tránh cũng cần phải lưu ý. Cho trẻ ngủ mùng ngay cả ban ngày; có thể dùng thuốc, nhang trừ muỗi, thuốc xoa trên da chống muỗi...

vẫn diễn biến phức tạp nên có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào các tháng mùa mưa. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai công tác phòng dịch ngay từ đầu năm. Các bộ phận chức năng được trang bị máy móc, hóa chất; tập huấn kiến thức cho cộng tác viên ở các xã, huyện trọng điểm về SXH như TX.TDM, Thuận An, Dĩ An. Tăng cường giám sát các ca bệnh để xử lý kịp thời, triệt để ngay từ ca bệnh đầu tiên.

Theo bác sĩ Mỹ để phòng dịch bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Nhất là ở các khu mới phát triển công nghiệp, các khu nhà trọ. Các địa phương phải vận động, tổ chức làm vệ sinh môi trường, không chỉ phòng dịch SXH và nhiều dịch bệnh khác vào mùa hè mà còn tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.

ĐỨC LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên