Chương trình tiêm chủng mở rộng - thành quả và thách thức

Cập nhật: 12-12-2013 | 00:00:00

Bài 1: Những thành quả trong công tác tiêm chủng mở rộng

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, ngành y tế tỉnh nhà nói chung, hoạt động khám, chữa và phòng bệnh nói riêng ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Vai trò của hệ y tế dự phòng, đặc biệt là công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần tích cực vào kết quả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân…

Từ thành quả chung…

Năm 1977, chương trình TCMR được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do 6 bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, lao và tiến tới thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh sởi. Hưởng ứng phát động của WHO, năm 1985, chương trình TCMR được Bộ Y tế chính thức triển khai trên toàn quốc.  

Trước khi tiêm cho trẻ, các bậc phụ huynh cần báo cho cán bộ y tế biết về tiền sử bệnh tật của con em mình

TCMR là dự án mục tiêu quốc gia trọng điểm. Ngay sau khi có kế hoạch của Trung ương, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho bộ phận chuyên trách TCMR thực hiện. Ở tuyến tỉnh và huyện, bộ phận chuyên trách do khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS - Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Y tế công ty cao su phụ trách. Ở tuyến xã và nông trường, trạm y tế là đầu mối triển khai chương trình TCMR. Mạng lưới y tế thôn, ấp, khu phố có trách nhiệm điều tra, quản lý đối tượng, thực hiện công tác tuyên truyền vận động.

Theo đánh giá của ngành y tế, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách TCMR các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, phối hợp giám sát và đánh giá các hoạt động TCMR. Mục tiêu chương trình TCMR của tỉnh đưa ra là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ; giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em trong chương trình TCMR; duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi, tiến tới mục tiêu loại trừ sởi; kiểm soát thành công các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng.

Để chương trình TCMR đi vào chiều sâu, bảo đảm an toàn, công tác đào tạo, tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế về TCMR tại các địa phương. Với những nỗ lực của ngành y tế, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên chương trình TCMR của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sau khi 100% số xã, nông trường trên địa bàn tỉnh được bao phủ TCMR, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản đầy đủ các loại vắc-xin trở thành một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng hoạt động của chương trình.

Đến những thành quả cụ thể

Cùng với mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt, ngành y tế với vai trò tham mưu tích cực cho Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm loại trừ uốn ván sơ sinh (UVSS). Từ năm 1998 trở về trước, trung bình mỗi năm có từ 1 - 32 trẻ sinh ra bị UVSS; là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Trước áp lực đó, ngành y tế thực hiện tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 35 tuổi).

Từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng uốn ván luôn đạt từ 81 - 100%, giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ phòng uốn ván sau khi sinh và được Bộ Y tế công nhận loại trừ UVSS vào năm 2005. Từ năm 2002-2012, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào mắc UVSS. Tại một hội nghị về công tác TCMR của tỉnh trong năm 2013, Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà, từng khẳng định rằng: “Thành quả này đã khích lệ ngành y tế rất nhiều, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tiêm chủng tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu khống chế bệnh sởi, cùng cả nước tiến tới loại trừ bệnh sởi trong tương lai”.

Theo bà Bùi Thị Minh Huệ, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm YTDP tỉnh, từ năm 1985, chương trình TCMR đã bao phủ 100% xã, phường, thị trấn, tỷ lệ đối tượng được tiêm chủng đầy đủ năm sau luôn cao hơn năm trước. Kể từ năm 1992, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin liên tục tăng qua các năm và luôn được duy trì trên 90%. Nhờ tiêm vắc-xin, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần. Tỉnh Bình Dương ghi nhận ca bại liệt cuối cùng vào năm 1997, bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt toàn quốc vào năm 2000.

Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2003, tỉnh đã tổ chức chiến dịch tiêm nhắc lại vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ em dưới 10 tuổi; từ năm 2006- 2010, triển khai tiêm nhắc lại vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ 6 tuổi trong toàn tỉnh; từ tháng 10-2010, theo chỉ đạo của Bộ Y tế về tổ chức tiêm chủng bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, tỉnh đã triển khai chiến dịch và được đánh giá có kết quả tốt với trên 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm.

Theo đánh giá của ngành y tế, việc triển khai rộng rãi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đã cải thiện đáng kể tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Số trẻ em mắc bệnh sởi năm 2010 giảm 8,7 lần so với năm 1986. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn ghi nhận ca bệnh sởi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và chương trình mục tiêu quốc gia TCMR, từ tháng 6-2010, thêm một số vắc-xin mới được bổ sung vào chương trình TCMR, gồm: vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em dưới 5 tuổi; tiêm vắc-xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B và Hib. Đến nay, chương trình TCMR có tổng cộng 11 loại vắc-xin. Ông Huỳnh Thanh Hà cho rằng, phòng bệnh bằng vắc-xin là tiến bộ lớn của nhân loại. Trước khi chưa có vắc-xin, nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Vắc-xin đã giúp con người chủ động tích cực phòng chống bệnh tật, nhiều căn bệnh hiểm nghèo đã được khống chế và loại trừ. Thực tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.

Bài 2: Những thách thức mới trong hoạt động tiêm chủng

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên