Giá thuốc luôn làm đau đầu các nhà quản lý và thực sự là thách thức đối với nhiều người bệnh
Theo ông Tiên, từ 10-15 năm qua, diễn đàn Quốc hội chưa bao giờ ngừng về vấn đề giá thuốc. Nhiều ĐBQH nói rằng giá thuốc là “máy bay trực thăng không có chỗ đỗ”, hiện trạng đó, đến bây giờ vẫn đúng. Là một nhà lập pháp, ông Tiên đòi hỏi “chúng ta phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc, nếu không bây giờ Bộ Y tế bảo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại bảo Bộ Y tế, cuối cùng người dân vẫn chịu giá thuốc cao”.Cũng rất nhiều lần, tại nghị trường, Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội “mua thuốc cũng giống như mua ximăng, sắt thép và các loại khác, trong khi đó thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt” liên quan trực tiếp đến gần như mọi người dân, và theo ông Tiên, đây cũng là một điểm đặc thù cho sự cần thiết phải “có cơ chế pháp luật riêng”.
Dẫn nguồn bảo hiểm y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH cho biết: Năm 2012, ước tính quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các bệnh viện. Trong khi đó, các bệnh viện đấu thầu muôn hình vạn trạng. “63 tỉnh thì phải có khoảng 700 đến hàng nghìn hội đồng đấu thầu thuốc, bởi vì có những tỉnh đấu thầu tập trung, nhưng có những tỉnh giao cho mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu”. Cho rằng “đây chỉ là cách làm, cách thực hiện”, nhưng “nếu có luật riêng về việc này thì sẽ rất rõ ràng”.
Thực tế, bảo hiểm xã hội cho biết thí điểm thực hiện một số biện pháp vừa qua thì có thể tiết kiệm được khoảng 20% giá thuốc. Có nghĩa, nếu đấu thầu theo một cơ chế pháp lý chặt chẽ, sẽ giảm xuống khoảng 20%, một năm nếu chi 25.000 tỉ đồng thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỉ, “tôi không hiểu 5.000 tỉ này có đủ sức để Quốc hội chúng ta làm luật riêng về đấu thầu thuốc hay không?!” - ông Tiên nói.
Hiện 70% dân số có bảo hiểm và các bệnh viện thì đa số 70 - 80% số bệnh nhân là bảo hiểm y tế. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ chăm sóc người dân theo cơ chế tài chính là bảo hiểm y tế toàn dân, do đó chúng ta phải tìm mọi cách để cho quỹ bảo hiểm y tế này chi trả giá thuốc cho chính xác, cho đúng để bảo hiểm y tế hấp dẫn hơn, nếu không, Nhà nước bỏ tiền ra thì rất tiết kiệm, chặt chẽ, nhưng chi tiêu thế này thì không yên tâm và nó sẽ tác động rất lớn đến định hướng bảo hiểm y tế.
Nếu chúng ta ban hành được luật riêng, kiểm soát được thì sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân, bởi vì đa số những người dân phải vào bệnh viện hiện đang phải trả tiền thuốc giá cao và mong muốn Nhà nước kiểm soát được giá thuốc đúng với thực tế.
“Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Bộ Y tế chuẩn bị dự án luật này, nếu Bộ Y tế từ chối, ngại, không muốn làm thì chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Viện Công tác lập pháp cùng với một số ĐBQH xây dựng dự án luật trình Quốc hội” - ông Tiên nói.
Theo Dân Trí