Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật: 11-07-2012 | 00:00:00

Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2011 trên địa bàn tỉnh là 111 bé trai/100 bé gái. Làm gì để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là việc làm luôn được ngành dân số tỉnh nhà quan tâm...

Thực trạng đáng quan tâm

Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16-9-2004 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, theo đó một số hành vi sau sẽ bị nghiêm cấm: thông báo cho sản phụ biết giới tính thai nhi qua bắt mạch, siêu âm, loại bỏ thai nhi vì giới tính... Tuy nhiên, trên thực tế quy định này đã bị một số người lơ đi, nên việc mất cân bằng giới tính vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Dương.

 Không nên lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh

Theo các bà mẹ đang mang thai hay vừa mới sinh em bé cho biết, thông qua siêu âm họ đã biết giới tính thai nhi từ tháng thứ 3. Các bà mẹ này cho biết, nếu đi siêu âm tại các cơ sở y tế công lập các bác sĩ thường không cho biết giới tính thai nhi. Nếu muốn biết giới tính thai nhi phải tìm đến các phòng khám tư nhân. Ở các phòng khám tư nhân, để “lách luật”, các bác sĩ thường không chủ động thông báo giới tính thai nhi, nhưng cũng không từ chối khi được hỏi. Họ thường trả lời theo kiểu suy luận: “giống mẹ” hay “giống bố”, “công chúa rồi nhé” hay “hoàng tử rồi đó”... Cũng có nơi, họ thông báo thẳng là trai hay gái luôn mà không cần e dè. Ở các phòng khám tư, chỉ với khoảng 50.000 đồng/một lần siêu âm, các bà mẹ sẽ biết được giới tính con mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh..

Khi biết tin một người mẹ mang thai hay một em bé vừa mới chào đời, câu mà mọi người thường hỏi em bé là trai hay gái. Điều đó chứng tỏ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “có con trai để nói dõi tông đường” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Theo các bác sĩ, ngoài nguyên nhân trên, sự ra đời của các phương tiện y học hiện đại và mức sống của người dân ngày càng cao, người ta trở nên “cân nhắc” cả việc lựa chọn giới tính khi sinh con. Không ít gia đình đã tìm mọi cách để có con như ý muốn bằng nhiều cách, trong đó siêu âm là cách được nhiều người chọn để xác định giới tính và nạo phá thai khi biết giới tính thai nhi không như mong đợi. Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội trong tương lai. Đó là sự “khan hiếm” phụ nữ, nam giới sẽ khó lập gia đình hơn, áp lực về kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, làm gia tăng các tệ nạn như: mại dâm, buôn bán phụ nữ...

Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Với tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2011 là 111 bé trai/100 bé gái, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì vậy, từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh là việc làm luôn được ngành dân số tỉnh nhà quan tâm. Để thực hiện điều đó, ngành đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2010 và 2011, đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo tư vấn, như: tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tại tỉnh cho 7 huyện, thị và 79 xã, phường để cung cấp thông tin về giới tính sau khi sinh; tổ chức cung cấp thông tin cho các ban ngành, đoàn thể; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nói chuyện chuyên đề về giới tính sau khi sinh 79 buổi truyền thông tại 79 xã, phường; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá 79 cơ sở y tế tư nhân, Nhà nước và 12 nhà sách về tài liệu lựa chọn giới tính khi sinh; tổ chức duy trì 97 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; câu lạc bộ “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ở các xã, phường và mở rộng thêm 12 câu lạc bộ để chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt tuyên truyền về giới tính; tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, sản xuất, xây dựng gia đình phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề là gái, không sinh con thứ 3 tại các huyện, thị. Trong 5 tháng đầu năm 2012, địa bàn triển khai đề án tiếp tục được duy trì tại 7 huyện, thị và 79 xã, phường của năm 2010 và 2011; đồng thời triển khai mở rộng thêm 12 xã, phường khác trong tỉnh; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho tuyên truyền viên các xã, phường của 7 huyện, thị  và 91 xã phường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đánh giá, đề án trên được triển khai nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm ngăn ngừa lựa chọn giới tính thai nhi; từng bước khống chế tốc độ gia tăng tiến tới ổn định và cân bằng giới tính sau khi sinh. Kết quả đã thực hiện đến cuối năm 2011 tại tỉnh và 7 huyện, thị tỷ lệ đạt 100% so kế hoạch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ổn định, cân bằng giới tính sau khi sinh, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không riêng gì ngành dân số. Làm được điều đó mới góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính, tạo sự cân bằng về giới và nâng cao chất lượng dân số.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên