Hà Nội: Bệnh nhân liên cầu heo xuất hiện dồn dập

Cập nhật: 19-09-2012 | 00:00:00

Tính đến ngày 18-9, tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương còn ba bệnh nhân đang nằm điều trị do mắc liên cầu heo. Trước đó Hà Nội đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do liên cầu heo trong năm nay. Sau một thời gian tạm lắng, số ca mắc liên cầu heo đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Theo số liệu của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, từ tháng 6 tới nay đã có tổng số 56 bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm liên cầu heo nhập viện. Riêng trong tháng 8, bệnh viện tiếp nhận gần 10 trường hợp mắc liên cầu heo. Hiện còn ba ca đang tiếp tục điều trị. Số người mắc bệnh ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa… Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phát ban hoại tử nhiều trên da, sốc, suy hô hấp phải thở máy.

Thủ phạm vẫn là... heo

 Món tiết canh khoái khẩu được cho là một nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn liên cầu. Bệnh nhân Hoàng Thị M., 60 tuổi ở Hòa Bình đang điều trị tại khoa nhiễm khuẩn tổng hợp (bệnh viện nhiệt đới trung ương) nhập viện cách đây 15 ngày trong tình trạng sốt, đau đầu, buồn nôn. Các biểu hiện này xuất hiện sau khi bệnh nhân M, có tiếp xúc với heo. Sau khi xét nghiệm các bác sĩ kết luận bệnh nhân M. bị nhiễm liên cầu. Trước đó, bệnh nhân N.Đ.T, 51 tuổi ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã tử vong sau khi được xác định nhiễm liên cầu heo. Khai thác tiền sử thì ông T. có ăn lòng heo. Khi phát bệnh, bệnh nhân T. có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn huyết, hoại tử ngoài da, hôn mê.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa hồi sức, hầu hết bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn là do tiếp xúc trực tiếp với heo bị bệnh hoặc ăn thịt heo chưa chế biến kỹ bao gồm cả tiết canh, nem chua, nem chạo, trong đó có khoảng trên 30% bệnh nhân hay ăn tiết canh. Người bệnh từng bị nhiễm liên cầu khuẩn heo vẫn có thể mắc lại lần sau dù đã được điều trị khỏi. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.

Bệnh dễ tái nhiễm

Cũng theo BS Cấp, nhiều người nghĩ đã mắc liên cầu heo rồi sẽ miễn dịch. Tuy nhiên, về lý thuyết bệnh vẫn có thể tái phát, đặc biệt khi người đó lại tiếp xúc với heo có vi khuẩn mang bệnh. Trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi ăn những thực phẩm này, người bệnh sẽ trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh vào trong người. Với vi khuẩn liên cầu heo thường cư trú quanh năm ở họng con heo mà không gây bệnh. Nhưng khi heo nhiễm virus gây bệnh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho heo. Khi mổ thịt những con heo bệnh này hoặc đi tiêu hủy không đúng kỹ thuật; chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí nhiều người do không biết heo bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống như tiết canh, lòng heo, nem chạo… virus vào người qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp để xâm nhập vào trong máu trở thành nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc các bệnh như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn heo càng dễ gây bệnh.

Đã có trường hợp bệnh nhân từ khi tiếp xúc với heo đến lúc phát bệnh, suy đa phủ tạng chỉ sau 16 tiếng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong rất cao.

Trước tình hình bệnh liên cầu khuẩn gia tăng, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã báo cáo với bộ Y tế. Đồng thời, cũng khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn tiết canh. Trong trường hợp tiếp xúc với heo ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ như mặc áo bảo hộ, đi găng tay và đeo khẩu trang để tránh virus xâm nhập.

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=335
Quay lên trên