Hạn chế lây lan bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng

Cập nhật: 11-10-2013 | 00:00:00

Theo các bác sĩ (BS) Khoa mắt, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (TT PCBXH) tỉnh, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) còn gọi là viêm kết mạc cấp. Đây là bệnh cấp tính của màng kết mạc tại mắt, thường gặp nhiều nhất là do virus Adeno. Khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí thay đổi nên bệnh dễ xuất hiện. Thời điểm này tỷ lệ các bệnh do virus tăng lên, trong đó bệnh ĐMĐ do virus cũng tăng. Khi bệnh ĐMĐ lây lan có thể phát triển thành dịch trong diện rộng, đặc biệt là những nơi tập trung đông người, như: trường học, cơ quan, công ty, xí nghiệp…

Nhiều người cho rằng, nếu người bị ĐMĐ mà nhìn người khác thì… sẽ lây bệnh cho người bị nhìn. Giải thích về điều này, các BS chuyên khoa khẳng định, bệnh ĐMĐ không lây qua nhìn nhau. Đây là một quan niệm hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Theo các BS, bệnh ĐMĐ thường lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với chất dịch tiết từ mắt của người bệnh thông qua các vật dụng, như: tay, khăn mặt, chậu rửa mặt - tay, chăn gối, tay nắm cửa… Ngoài ra, bệnh ĐMĐ còn lây qua hơi thở và nước bọt của người bệnh. Khi tiếp xúc quá gần hoặc khi hắt hơi, ho… người bệnh có thể truyền bệnh cho người khác. Vì thế, nếu trong nhà có người bị ĐMĐ, những người khác rất dễ bị lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí. Tại nơi làm việc, đặc biệt là phòng có máy điều hòa virus rất dễ phát tán. Hồ bơi cũng là nơi truyền bệnh ĐMĐ rất nhanh nếu có người bị ĐMĐ đi bơi ở đó. Thế nên, người bị bệnh ĐMĐ nên hạn chế đến nơi đông người để tránh lây bệnh cho người khác. Người bị bệnh ĐMĐ có thể bị gián đoạn công việc, học tập trong một thời gian để điều trị bệnh. Nếu không biết cách phòng tránh bệnh lây lan và điều trị không đúng cách (như: tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc đắp, xông hơi bằng lá cây…) thì thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài, kèm theo tổn thương cho giác mạc (tròng đen) gây giảm thị lực.

Theo các BS Khoa mắt, TT PCBXH tỉnh, để phòng tránh mắc bệnh và lây lan bệnh trong cộng đồng, mọi người nên tích cực giữ gìn vệ sinh cá nhân. Thường xuyên rửa tay với xà phòng sát khuẩn để ngăn ngừa dịch tiết của người bệnh lây qua tay của người chưa mắc bệnh. Sử dụng đồ cá nhân riêng, không dùng chung và giặt khăn mặt chung với người bệnh. Người chưa mắc nên tránh tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh. Người bệnh nên mang kính bảo vệ mắt để hạn chế phát tán yếu tố gây bệnh cho người khác. Tại những nơi đông người như công sở, trường học, công ty, xí nghiệp… nên cho người bệnh nghỉ ngơi khoảng 1 tuần để tránh lây lan và điều trị tích cực theo chỉ định của BS. Không nên tự điều trị tại nhà. Nhỏ thuốc xong phải rửa tay sạch bằng xà bông, lau khô tay. Khi trong nhà có người bị bệnh ĐMĐ không nên ngủ chung giường với người mắc bệnh và sau khi hết bệnh ít nhất 1 tuần. Không nên sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, vì rất dễ lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Hàng ngày có thể sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc Cloramphenicol (Cloraxin) 0,4% để nhỏ mắt từ 4 - 6 lần để phòng bệnh.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên