Khám chữa bệnh BHYT vượt tuyến, trái tuyến

Cập nhật: 24-09-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Thiệt thòi cho người bệnh

> Kỳ 1: Từ những văn bản chồng chéo Các bệnh viện (BV) ngoài công lập ở Bình Dương có trang thiết bị hiện đại, tiến hành một số dịch vụ kỹ thuật cao không kém BV công lập, nhưng do xếp BV hạng 3 (tương đương BV huyện) nên bệnh nhân BHYT khám vượt tuyến, trái tuyến khi tiến hành một số dịch vụ y tế trong điều trị chỉ được BHYT chi trả 50% thay vì 70% kinh phí. Vậy tại sao các BV ngoài công lập là BV tạm phân hạng 3, mà người bệnh lại phải cùng chi trả 50%?

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Quy định BV hạng 3 nhưng khi bệnh nhân KCB BHYT trái tuyến, vượt tuyến tại các BV ngoài công lập ở Bình Dương phải chịu chi trả đến 50% chi phí KCB. Với quy định bất cập như vậy, khi thanh toán chi phí KCB, nhiều bệnh nhân tỏ vẻ không hài lòng vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Để giúp người bệnh hiểu rõ các quy định mới của BHXH về KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT, BV Vạn Phúc đã thành lập tổ nhân viên để tiếp nhận và giải thích những quy định của BHXH tỉnh và hướng dẫn chi tiết cho người dân các thủ tục để chuyển nơi KCB ban đầu về BV Vạn Phúc. Bởi theo quy định BHYT, những bệnh nhân KCB ban đầu tại BV Vạn Phúc chỉ đóng 20% chi phí trong tất cả các trường hợp khám bệnh và cấp cứu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có một số nhân viên bán BHYT tại phường, xã lại gây khó khăn cho người bệnh khi đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu như người bệnh lựa chọn. Một số nhân viên thì giải thích là ở đâu thì đăng ký khám bệnh ở đó, số khác lại giải thích đăng ký về BV Nhà nước thì được, còn BV tư nhân thì không được hay người mua thẻ đã căn dặn nơi đăng ký khám ban đầu, vậy mà khi đi nhận thẻ lại đăng ký nơi khác, hỏi ra thì nhân viên bán thẻ “quên”! Có một số công ty thì lại yêu cầu công nhân đăng ký vào nơi mà nhân sự đã lựa chọn nên không cho công nhân đăng ký lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu. Điều khó hiểu là một số công ty ở gần với BV tư nhân nhưng lại buộc công nhân đăng ký KCB ban đầu tại một nơi xa, làm ảnh hưởng đến ngày công lao động, rốt cuộc người lao động phải tranh thủ đi khám ngoài giờ vào những ngày thứ bảy, chủ nhật thì họ lại phải đóng 50% chi phí, thay vì khám đúng tuyến họ chỉ đóng 20%.

Bệnh nhân… bị thiệt!

Bình Dương hiện có 9 bệnh viện ngoài công lập đăng ký khám bảo hiểm y tế. Mỗi ngày tại các bệnh viện như: Đa khoa Vạn Phúc, Mỹ Phước, Hoàn Hảo… có khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị BHYT trái tuyến, vượt tuyến.

Do quy định BV hạng 3, một số thuốc trong danh mục BHYT như kháng sinh, tim mạch, huyết áp, tiểu đường... quá ít. Bệnh nhân có nhu cầu điều trị tại các BV đa khoa tư nhân khi bác sĩ ra toa những bệnh trên thì phải tự mua thuốc ngoài. Không ít người dân không hài lòng với một số địa chỉ khám, chữa bệnh đăng ký ban đầu nên họ đành phải đi khám và điều trị trái tuyến, vượt tuyến đến những BV đa khoa tư nhân ở Bình Dương. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số BV, nhiều người bệnh rất ngạc nhiên khi cầm tấm thẻ BHYT đến khám trái tuyến ở BV được xếp hạng 3 mà phải cùng chi trả bằng mức BV hạng 2. “Là một tỉnh có đông dân nhập cư nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho y tế công lập còn hạn chế thì sự phát triển các BV ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã góp phần nâng cao chất lượng KCB và tạo ra sự lựa chọn cho người dân, bước đầu hình thành dịch vụ và văn hóa phục vụ bệnh nhân tại các BV. Vậy tại sao người bệnh có thẻ BHYT đến khám tại các BV tư nhân phải đóng chi phí KCB cao hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh?”, một bệnh nhân bức xúc. Một thực tế là đối với người có BHYT, chi phí cho một đợt khám bệnh, điều trị những bệnh, dịch vụ, kỹ thuật thông thường hoặc những kỹ thuật cao nhưng nằm trong danh mục BHYT chi trả 50% (thay vì 30%) đây là khoản tiền chi trả chênh lệch không phải nhỏ. Song, với những người có BHYT nhưng phải sử dụng kỹ thuật cao, kỹ thuật ngoài danh mục (vì BV hạng 3), đặc biệt là những người bệnh nặng điều trị nội trú dài ngày ở những BV ngoài công lập nếu viện phí toàn bộ đợt điều trị cao thì chắc chắn khoản đồng chi trả phải nhiều hơn. Thử một phép tính mà người bệnh phải đóng “oan” khi KCB trái tuyến. Mỗi ngày tại các BV ngoài công lập có khoảng 2.000 bệnh nhân khám trái tuyến với chi phí bình quân 200.000 đồng/người, thì chi phí người bệnh phải đóng 50% là 200 triệu đồng. Nếu tính theo BV hạng 3 thì người bệnh chỉ đóng 400 triệu đồng x 30% = 120 triệu đồng. Như vậy, mỗi ngày người bệnh phải mất “oan” 80 triệu đồng và 28 tỷ đồng/năm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhân đến khám BHYT trái tuyến tại những BV ngoài công lập chủ yếu là công nhân lao động. Nguyên nhân hầu hết BV ngoài công lập tiếp nhận khám bảo hiểm ngoài giờ nên thuận lợi cho người bệnh. Với mức thu nhập “còm cõi” của người lao động thì việc quy định xếp hạng BV tư nhân hạng 3 mà thu phí BV hạng 2 là không công bằng.

Hiện không chỉ có bệnh nhân kêu trời, mà các BV ngoài công lập cũng đang bức xúc về mức thu viện phí, cách phân hạng BV một đằng nhưng thu phí lại quy định một nẻo. Những điều bất cập trong khám và điều trị trái tuyến, vượt tuyến tại các BV ngoài công lập ở Bình Dương cần sớm điều chỉnh để quyền lợi người tham gia bảo hiểm được bảo đảm, vì BHYT là nhằm mục đích “an sinh xã hội”.

BS. Phạm Văn Dậu, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội y – dược y tế tư nhân, kiêm giám đốc bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo Thuận An: Cần xem xét quy định bệnh viện ngoài công lập xếp hạng 3

Mỗi ngày các cơ sở bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo tiếp nhận khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, trong đó hơn 40% bệnh nhân khám trái tuyến. Áp dụng mức giá thu viện phí quy định tạm thời như hiện nay thì bệnh viện ngoài công lập được tạm xếp hạng 3. Với quy định này khi bệnh nhân đến khám, điều trị trái tuyến, vượt tuyến phải cùng chi trả 50% (trong khi quy định bệnh viện hạng 3 chỉ thu 30%). Đối xử bệnh viện ngoài công lập như vậy là không công bằng. Bởi trước tiên bệnh nhân đi khám trái tuyến chịu thiệt thòi, bệnh viện ngoài công lập cũng ít nhiều ảnh hưởng số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị. Trong khi các bệnh viện ngoài công lập phải bỏ tiền đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị…

Theo lộ trình trong luật, đến năm 2014 toàn dân đều tham gia BHYT bắt buộc. Như vậy, hình thức khám, chữa bệnh sẽ chủ yếu là thông qua chính sách BHYT. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân khi đi khám bệnh trái tuyến, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo kiến nghị các ngành chức năng cần xem xét quy định bệnh viện ngoài công lập xếp hạng 3 thì bệnh nhân khám trái tuyến phải được hưởng mức cùng chi trả bệnh viện hạng 3 (tức 30% thay vì 50% như hiện nay); đồng thời phải nhanh chóng điều chỉnh một số văn bản quy định chồng chéo của BHXH Việt Nam.

 

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1200
Quay lên trên