Không để trẻ em chơi đùa với miếng dán

Cập nhật: 23-02-2013 | 00:00:00

Khi đau nhức đâu đó trên cơ thể, chúng ta thường hay dùng miếng dán để dán vào lớp da bên ngoài nơi bị đau. Cấu tạo của miếng dán bao giờ cũng có một lớp chứa thuốc để đưa thuốc vào cơ thể qua da. So với các cách sử dụng thuốc truyền thống như uống, tiêm... thì việc sử dụng miếng dán đương nhiên là tiện dụng hơn và cũng cho cảm giác an toàn hơn. Các chuyên gia về dược học cũng khẳng định việc đưa thuốc vào cơ thể bằng miếng dán còn làm giảm sự tương tác, giúp nồng độ thuốc vào cơ thể ổn định.

Tuy nhiên, như chúng ta thấy là việc sử dụng miếng dán được rất nhiều người lạm dụng do hiểu biết hạn chế về tác dụng của nó. Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường ở Đại học Dược Curtin - Úc khuyên chúng ta rằng khi sử dụng thuốc dán có thể gặp tác dụng phụ như đỏ da, kích ứng da ở vùng dán nhưng các tác dụng phụ này sẽ biến mất khi tháo miếng dán; khi sử dụng cần phải lấy miếng dán cũ ra trước khi dùng miếng dán mới; không dán thuốc vào những vùng da bị kích ứng hay bị tổn thương, trầy xước; vùng da dán thuốc phải sạch sẽ và khô ráo; miếng dán khi sử dụng phải còn nguyên, không cắt nhỏ để dán nhiều lần vì sẽ làm thay đổi lượng thuốc vào cơ thể.

Việc lấy, tháo và bỏ miếng dán cũng nên thận trọng. Khi miếng dán được tháo ra khỏi da thì vẫn còn một lượng thuốc nhỏ trong đó, nếu trẻ em vô tình lấy chơi sẽ có thể bị ngộ độc. Sau khi tháo miếng dán, cần gấp đôi lại (2 mặt dính vào da sẽ dán vào nhau) rồi bỏ ở một nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà, không nên bỏ vào bồn cầu.

Những lời khuyên này đơn giản nhưng hẳn chúng ta phải lưu ý.

THS-BS LÊ NHƯ SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên